Ưu tiên hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động

(BKTO) – Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 20/7.



                
   

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Trung

   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức của Tổng cục và lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố, các cơ sở GDNN và các đơn vị có liên quan đã phối hợp, tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định trong 6 tháng đầu năm.

Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng với mong muốn để ngành GDNN tiếp tục phát triển tốt hơn, đáp ứng được kỳ vọng, Thứ trường Lê Tấn Dũng cũng chỉ ra những bất cập của ngành GDNN thời gian qua.

Theo đó, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đạt được so với kỳ vọng, mục tiêu đã đề ra; công tác phối hợp giữa cơ sở GDNN với DN chưa thật bền vững; giữa cơ sở GDNN với các Trung tâm giới thiệu dịch vụ việc làm chưa gắn kết chặt chẽ; năng lực bộ máy quản lý ở một số địa phương trong lĩnh vực GDNN còn nhiều bất cập, lúng túng khi triển khai công việc.

Định hướng GDNN trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực tập trung xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do đó, lĩnh vực GDNN thời gian tới cần bám sát vào chủ trương, đường lối, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đi vào cụ thể nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu Tổng cục GDNN trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh cần kiên định và nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu đề ra.
                
   

Ngành GDNN cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Trước mắt, cần tập trung triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người sử dụng lao động hiểu và triển khai được chính sách này.

"Hệ thống GDNN cần phối hợp thật tốt với các DN để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19 và là thời cơ vàng với DN khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động" – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Ưu tiên hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động