Tư pháp phải xứng đáng là “hộ pháp” của nền kinh tế và của đất nước

(BKTO) - Sáng 30/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động, thúc đẩy cải cách tư pháp.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   

Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao kết quả các cơ quan tư pháp đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đáng chú ý, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các vụ án về tham nhũng, kinh tế được tập trung giải quyết; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng tăng mạnh, đạt gần 80.000 tỷ đồng…

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định: Các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới, cải cách trên nhiều phương diện, đạt nhiều mục tiêu đề ra cũng như chỉ tiêu Quốc hội giao; đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra trong nghị quyết 49-NQ/TW. Việc công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng cũng được triển khai mạnh mẽ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân. Những kết quả mà các cơ quan tư pháp làm được đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng. Có nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án số bị cáo lên đến hàng trăm người. Hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ đều đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật.
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan tư pháp đều đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Điển hình như quy định quyền được đọc hồ sơ vụ án để tự bào chữa trong trong trường hợp không có người bào chữa - một quy định chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta.

Cùng với đó, việc tranh tụng tại Tòa án thực hiện ngày càng rõ nét, mạnh mẽ hơn; tranh tụng chính là biện pháp để đảm bảo công bằng, công minh và thực hiện theo luật. Thời gian qua, người dân cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng của nước ta; là tín hiệu đáng mừng của nền tư pháp.

Các cơ quan tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, do đó những vụ án phức tạp đã được đưa ra giải quyết sớm. “Những thành tựu đã khẳng định nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp”- đại biểu Thủy khẳng định.

Theo đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), trong nhiệm kỳ này đã công bố được 39 án lệ và có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ trong xét xử. Đây là một đột phá mạnh mẽ trong ngành tòa án. Việc áp dụng án lệ này đã giảm được nhiều thời gian cũng như vụ án không bị rơi vào bế tắc. Hoạt động của 4 cấp Tòa án đã đi vào ổn định và phát huy có hiệu quả. Việc thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đến nay đã được tổ chức thực hiện trên cả nước và đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại Tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã ngày càng được Tòa án chú trọng, các thẩm phán cũng đã thấm nhuần quan điểm tranh luận là con đường đi đến công lý….

Thực hiện đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp

Về nhiệm vụ công tác của cơ quan tư pháp trong thời gian tới, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh, cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hiện thực hóa những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về một nền tư pháp thật sự trong sạch, vững mạnh. Theo đại biểu, cần khẳng định vị trí và đẳng cấp của tư pháp, cơ quan Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp. Làm sao để tư pháp xứng đáng là “hộ pháp” của nền kinh tế, của đất nước. Tòa án xứng đáng là biểu tượng công lý, là hiện thân của công lý, chỗ dựa của công bằng. Viện kiểm sát phải khẳng định vai trò khớp nối đầu vào và đầu ra của hệ thống tư pháp, bánh răng trung chuyển sự thật công bằng, khách quan.

Theo đại biểu Nguyễn Chiến (TP. Hà Nội), để tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng xét xử theo mục tiêu Quốc hội đề ra, việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phải coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm phán quyết của tòa đúng luật, bảo đảm quyền con người mang lại công lý niềm tin cho nhân dân. Đồng thời, đại biểu kiến nghị cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong hoạt động tư pháp ngay từ khâu ban hành văn bản, giải quyết khiếu nại tố cáo…
                
   

Đại biểu Nguyễn Chiến phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những biến đổi sâu sắc về mọi mặt của đời sống xã hội, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đẩy mạnh hơn nữa về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tòa án, xây dựng Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng các phần mềm thay thế việc làm thủ công, tốn kém nhân lực, kinh phí, tiến tới xét xử ở trực tuyến, số hóa hồ sơ. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), việc triển khai các phòng xử án điện tử, thực hiện các phiên tòa điện tử xét xử trực tuyến là xu hướng mới của thế giới dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Do vậy, ngành tòa án thời gian tới cần quan tâm hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng để tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.

Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp để người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin, giúp giảm bớt thời gian, công sức và chi phí đi lại, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…/.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tư pháp phải xứng đáng là “hộ pháp” của nền kinh tế và của đất nước