Từ 10/3, tất cả người dân Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế

(BKTO) - Việc khai báo sức khỏe y tế với mọi người dân trên toàn quốc sẽ được triển khai từ ngày 10/3 để góp phần phòng, chống dịch bệnh.



                
   

Giao diện hệ thống khai báo y tế

   

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) ngày 8/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong thời gian tới là vấn đề khai báo y tế.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ nên cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. "Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân trên toàn quốc.

Đến 9/3, cổng hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế đã chính thức được mở.

Có 3 kênh người dân có thể khai báo gồm: Thứ nhất: Truy cập cổng khai báo điện tử: https://suckhoetoandan.vn/ hoặc khaibaoyte.vn để điền các thông tin.

Thứ hai: Qua app NCOVI được ra mắt chính thức vào 16h ngày 9/3.

Thứ ba: Người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR qua điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo.

Sau khi điền đầy đủ thông tin, người dân cần nhập mã xác thực – mã bảo mật. Cuối cùng, nhấn gửi tờ khai.

Trên bảng thông tin khai báo, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt đã có thêm tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, Nhật Bản, Nga và Campuchia. Các ngôn ngữ khác sẽ tiếp tục được bổ sung.

Các thông tin khai báo bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, quốc tịch, số hộ chiếu, phương tiện đi lại, tình trạng sức khoẻ trong 14 ngày (ho, khó thở, sốt, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy…), lịch sử phơi nhiễm trong vòng 14 ngày như có từng đi qua các trang trại chăn nuôi, buôn bán động vật, có tiếp xúc gần dưới 2 m với người mắc Covid-19…

Riêng những hành khách xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi khai báo thông tin đầy đủ, sẽ qua gặp nhân viên kiểm dịch y tế để lấy bản xác nhận trước khi qua quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Sau khi khai báo, tất cả thông tin sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến. Đây là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.

Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe của từng cá nhân để kịp thời liên lạc, hỗ trợ, theo dõi sức khoẻ trong các tình huống cần thiết.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp - cho biết, với những người không sử dụng điện thoại hay máy tính, các thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ khai báo, nếu khai báo không trung thực sẽ bị xử phạt.

‘'Khai báo y tế để phục vụ phòng chống dịch, do đó người dân cần hết sức tự giác, có trách nhiệm không chỉ vì sức khoẻ bản thân mà cho cả gia đình và cộng đồng. Việc khai báo sớm, trung thực sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan”, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Trước đó, từ 0h ngày 7/3, Bộ Y tế cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tiếp tục triển khai áp dụng tờ khai y tế thông thường và điện tử đối với tất cả khách đến hoặc đi qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Campuchia..
         
Đến 14h00 ngày 09/3,trên Thế giớighi nhận110.026người mắc virus Corona,3.828người tử vong.
   
   Tại Việt Nam, hiện có 30 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó:
   
   16người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
   
   Số ca nhiễm tại Việt Nam đang được điều trị gồm có:01phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 (Bệnh nhân 17).01nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (Bệnh nhân 18).02người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm COVID-19 ngày 6/3 (Bệnh nhân 19, bệnh nhân 20).01nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (Bệnh nhân 21).09người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ Bệnh nhân 22 đến Bệnh nhân 30).
   
   Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (04); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (04); Lào Cai (02); Đà Nẵng (02); Huế (01).
   
   Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 2.138 trường hợp.
AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Từ 10/3, tất cả người dân Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế