TP. HCM tập trung gỡ vướng trong giải ngân vốn đầu tư công

(BKTO) - Ngày 23/7, phát biểu kết luận cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng kinh tế thành phố chỉ đạt 2%. Nguyên nhân là lĩnh vực dịch vụ vốn chiếm 60% tổng sản phẩm xã hội của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Trong khi đó, mặc dù chiếm tới 50% số lượng doanh nghiệp của cả nước nhưng doanh nghiệp của thành phố có tới 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2%, nên dễ bị gãy đổ do COVID-19.

Định hướng các giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2020, Chủ tịch UBNDTP. HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhân tố tác động đến tổng cầu kinh tế, nếu giải ngân mạnh thì sẽ tác động thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế. Hiện có một số dự án lớn đang vướng mắc, thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đẩy nhanh tiến độ.

“Đối với những dự án giao cho các quận, các ngành, UBND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, nếu cần thiết thì điều chuyển vốn. Quận huyện, đơn vị nào thực hiện không tốt thì năm tới sẽ phải tính toán việc giao vốn cho phù hợp. Trước ngày 15/10, các đơn vị phải có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, có như vậy mới đảm bảo mục tiêu đến cuối năm 2020 thành phố giải ngân trên 95% như cam kết với Chính phủ”, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.

Lãnh đạo UBND TP. HCM cũng xác định rõ, trong thời gian tới, thành phố phải thực hiện cho được mục tiêu “kép” là phòng chống, ngăn chặn dịch COVID-19 không để bùng phát trở lại và duy trì chương trình phục hồi kinh tế sau dịch.

Vì thế các sở, ngành, quận, huyện tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư duy trì và đề xuất các biện pháp hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý; chủ trì làm việc với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao dự báo tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động trong bối cảnh cắt giảm đơn hàng, buộc phải cho nghỉ việc nhiều người lao động.

Sở Công Thương chịu trách nhiệm trong việc dự báo đơn hàng bị cắt giảm, Chủ tịch UBND quận, huyện gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị và giải quyết theo thẩm quyền. Còn những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết với tinh thần chia sẻ với doanh nghiệp, không để doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 614.591 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ). Doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành có xu hướng giảm.

Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn chủ yếu về thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc đàm phán ký hợp đồng mới trì hoãn. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, vốn sản xuất kinh doanh hạn chế nên không chủ động nguồn nguyên liệu trước những biến động của thị trường trong mùa dịch bệnh dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Tuy nhiên, nhiều chỉ số kinh tế đạt mức tăng trưởng khả quan như tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm 2019…

Hiện nay, thành phố đã và đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn lớn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Đồng thời, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Ngân hàng Trung ương về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thành phố cũng đang từng bước cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển dịch vụ, cải cách hành chính và phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Về công tác thu chi ngân sách, theo bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính thành phố, thu NSNN trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 164.503 tỷ đồng, đạt 40,54% so với dự toán, bằng 86,59% so với cùng kỳ 2019.

Để thực hiện đảm bảo nhiệm vụ chi, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu trong 6 tháng còn lại, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất, kích cầu du lịch nội địa…

Đồng thời đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà đất do thành phố quản lý, đẩy mạnh việc đấu giá, rà soát các dự án đủ điều kiện mà chưa nộp tiền sử dụng đất để tăng nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
TP. HCM tập trung gỡ vướng trong giải ngân vốn đầu tư công