Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"

(BKTO) - Sáng 25/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.



Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chánh Văn phòng, Trưởng ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy...

Tham gia điều hành Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: dangcongsan.vn

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới. Đồng thời, Hội nghị cũng nghe ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu về nội dung Báo cáo, bổ sung, làm rõ thêm nhiều vấn đề; nêu thêm một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua và đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Nhiều kết quả cụ thể trong công tác PCTN

Theo đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, vừa khẩn trương, tích cực, vừa bài bản, chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm”.

         
Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi trên 260 ngàn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi trên 165 ngàn tỷ đồng và 12 ngàn ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái). Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Đồng thời, các cơ quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Ban Chỉ đạo đã thành lập 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 63 địa phương và 4 Đảng ủy, Ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

         
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 07 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 07 bị cáo; cảnh cáo 02 bị cáo.
Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…

Các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng. Việc kê biên và thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế đạt khá cao. Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ 26%; năm 2017 đạt 29,45%; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19%.

Đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, những kết quả đạt được về công tác PCTN trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung; cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: dangcongsan.vn

Xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng

Nhất trí với những kết quả đã nêu trong báo cáo cũng như trong thảo luận của các đại biểu, phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những kết quả cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

         
“Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm" sự phát triển, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại” –Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư cho biết, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt những kết quả rất quan trọng, rất đáng mừng. Tuy nhiên phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; chúng ta tuyệt nhiên không được tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp", như lời Bác Hồ đã căn dặn.

Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các đại biểu dự Hội nghị- Ảnh: dangcongsan.vn

Nêu lên giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hoá", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hoá"; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; và quan trọng hơn là phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, chúng ta có cơ sở để tin rằng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay trong bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào thành công chung của cả nước.

PHÙNG NGUYÊN(tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"