Tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet

   

Theo quyết định, tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nội dung Tổng điều tra

Các nội dung Tổng điều tra gồm:Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động.

Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt đông, chi phí sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; tiêu dùng năng lượng.

Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến; năng lực tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.

Tổng điều tra thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tiến hành thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam; cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 1/3-30/5/2021.

Giai đoạn 2, thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 1/7-30/7/2021.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra công bố vào tháng 12/2021. Kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì xây dựng phương án Tổng điều tra; tổ chức thí điểm để hoàn thiện phương án Tổng điều tra. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Phương án Tổng điều tra được xây dựng trên nguyên tắc khai thác tối đa số liệu về doanh nghiệp của Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và các số liệu thực tế hiện có của các cơ quan đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu trên cơ sở công nghệ thông tin; sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý thông tin Tổng điều tra.

Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra

Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban.

Lãnh đạo các Bộ, ngành: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Y tế; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ; Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Thuế; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách lĩnh vực thống kê thương mại, dịch vụ và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê làm Ủy viên.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thống kê hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp ở địa phương.
PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Vì sao phải điều chỉnh mức phạt tiền  với vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn?
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang đề nghị nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục về thuế từ tối đa 5 triệu đồng lên mức cao nhất 25 triệu đồng, đồng thời giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm về hóa đơn. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Bộ lại đề xuất điều chỉnh các mức phạt tiền này?
  • Cải cách pháp luật kinh doanh  chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thời gian gần đây, những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách đã giúp cho hệ thống pháp luật về kinh doanh dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn đang đối mặt với vấn đề thiếu thống nhất, chồng chéo.
  • Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước phòng, chống tham nhũng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tham nhũng gắn liền với quyền lực và tài sản công. Từ các quy định của Hiến pháp năm 2013, có thể thấy, Quốc hội đóng vai trò quan trọng và cao nhất trong việc kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói riêng. Tuy nhiên, thiết chế của Quốc hội chưa thể hiện rõ quyền và khả năng thực thi quyền này một cách thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, theo Luật PCTN năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019), Quốc hội không có chức năng trực tiếp PCTN mà Điều 7 của Luật này chỉ quy định quyền giám sát công tác PCTN.
  • WHO và Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 28/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) về công tác phòng chống dịch.
  • Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)-Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021