Tiết kiệm chi thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh

(BKTO)- Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Tài chính ước tính thu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, thậm chí con số này có thể lớn hơn nếu tăng trưởng GDP đạt dưới 5% như cảnh báo của các tổ chức quốc tế.



                
   

Hoạt động sản xuất đình trệ do dịch Covid-19 sẽ khiến việc thu ngân sách khó khăn - Nguồn Sưu tầm.

   

Do đó, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên cũng như khi sử dụng nguồn dự phòng.

Thay đổi kịch bản điều hành ngân sách

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông thường như hàng năm, ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự toán NSNN hàng năm, Bộ Tài chính đều xây dựng các kịch bản để điều hành. Năm nay, trước diễn biến của dịch Covid-19 diễn ra nhanh chóng, phức tạp trên diện rộng, từng thời điểm, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản điều hành ngân sách phù hợp. Ví dụ cuối tháng 2, Bộ đã xây dựng kịch bản điều hành ngân sách theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là tăng trưởng kinh tế khoảng 5,96 - 6,25%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra ban đầu là 6,8% (trước đó, cân đối NSNN thực hiện trên cơ sở mức tăng trưởng là 6,8%).

Đến thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế là khoảng 5,3%, cùng với các tác động khác như giá dầu giảm sâu so với dự toán. Trong kế hoạch tính toán giá dầu thô là 60 USD/thùng, nhưng thời điểm vừa qua, có lúc giá dầu thô chỉ ở mức 20 - 25 USD/thùng. Bộ Tài chính đã liên tục cập nhật thông tin, cùng với dự báo của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB... để xây dựng kịch bản ngân sách theo tình hình đang diễn ra. Một lần nữa, cân đối NSNN được xây dựng trên cơ sở: giá dầu thô khoảng 35 USD/thùng; tăng trưởng kinh tế là khoảng 5,3%; khó thu được khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm nay theo dự toán Quốc hội giao là 45 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở tính toán nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, thu NSNN có thể giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương giảm 110 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng… Chẳng hạn, trong dự báo mới đây, Hà Nội có thể giảm thu NSNN trên địa bàn khoảng 33 nghìn tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm thu ngân sách trên địa bàn cũng giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại việc thực hiện dự toán thu theo đúng mục tiêu đề ra là hết sức khó khăn.

Dự kiến sẽ tăng bội chi NSNN

Trước tình hình đó, trong điều kiện chi tiêu cho chống dịch tăng, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Trước hết là ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%; tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo. Số tiền này, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

“Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, trong kinh phí phòng, chống dịch đã phân bổ cho địa phương, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao, thì phải chủ động. Những địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% thì Trung ương hỗ trợ và những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70%” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng lưu ý, trong sử dụng nguồn dự phòng, phải tuyệt đối tiết kiệm để đảm bảo trước mắt phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như dành cho phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai ở khu vực miền núi phía Bắc...

Báo cáo gần đây gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm, nhưng nhiều địa phương vẫn bày tỏ quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, cùng với đó sẽ siết giảm các khoản chi không cần thiết, giảm chi thường xuyên để ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. TP. Hà Nội phấn đấu để có các khoản thu cao nhất trên cơ sở khai thác hết dư địa, đồng thời triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thời gian qua, TP. Hà Nội đã cơ cấu tốt các khoản chi, giúp giảm tỷ trọng chi thường xuyên được gần 5% trong 4 năm qua, chỉ còn 50,7%, thấp hơn yêu cầu Trung ương giao. TP. Hồ Chí Minh, dự toán chi cũng được xây dựng trên cơ sở triệt để tiết kiệm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng với mức độ ảnh hưởng giảm thu như trên, thì khả năng bội chi NSNN sẽ tăng. Mức bội chi dự kiến tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi NSNN năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.

Box: Mức bội chi dự kiến tăng thêm khoảng 1,5 - 1,6% GDP (tức là ở mức 5 - 5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi NSNN năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.
Theo ThoibaotaichinhVietNam
Cùng chuyên mục
  • Nam Định: 4 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 64% kế hoạch
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Báo cáo thống kê của Kho bạc Nhà nước Nam Định cho thấy, tính đến đầu tháng 5/2020, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công được 1.478 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch của năm.
  • Trung ương sẽ xem xét, quyết định phương hướng nhân sự khóa mới
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, tại Hội nghị này, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.
  • Trung ương xem xét phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
  • Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa khai mạc sáng nay (11/5) tại Hà Nội. Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 11-14/5.
  • “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; và thu hút FDI.
Tiết kiệm chi thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh