Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(BKTO) - Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thực thi công bằng; Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong 3 khâu xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức quyền lực Nhà nước và cải cách tư pháp.



Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức vào ngày 17/03.
                
   

Quang cảnh Hội thảo.Ảnh: TTXVN

   

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi về các vấn đề như: cách tiếp cận, đổi mới nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam; nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đổi mới tư duy cải cách hành chính; quản trị Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam…

Ghi nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là bảo đảm quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh; có bộ máy Nhà nước tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền quản trị quốc gia hiện đại, kiến tạo phát triển; ý thức tuân thủ pháp luật của xã hội được nâng cao…

Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước cho rằng, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân được thực thi công bằng; Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong 3 khâu xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức quyền lực Nhà nước và cải cách tư pháp.

Nhấn mạnh Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có tầm quan trọng đặc biệt, Chủ tịch nước khẳng định hiện tại là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam