Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

(BKTO) - Ngày 20/6, tại Bình Dương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì Hội nghị đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Đề án của các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam.




                
   

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.Ảnh: TTXVN

   

Tại Hội nghị, các địa phương đều đánh giá Dự thảo Đề án được thực hiện công phu, khoa học, chặt chẽ, nêu được những ưu điểm, hạn chế trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta thời gian qua.

Đặc biệt, trên cơ sở các hội thảo, hội nghị cấp quốc gia và nghiên cứu 27 chuyên đề, Dự thảo Đề án đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về những vấn đề đặt ra trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Góp ý thêm cho Dự thảo Đề án, nhiều địa phương nhấn mạnh đến vấn đề phân cấp, phân quyền. Cụ thể, các địa phương cho rằng, việc phân cấp, phân quyền đã được đẩy mạnh thời gian qua, nhưng vẫn có những hạn chế cần khắc phục, ví dụ như quyền quyết định đối với các dự án lớn tại địa phương, dù phân cấp cho địa phương nhưng quy định phải chờ các Bộ, ngành Trung ương cho ý kiến đã dẫn đến tình trạng mất quá nhiều thời gian chờ đợi; thủ tục thẩm định, phê duyệt còn phức tạp, nên nhiều dự án khó triển khai trên thực tế.

Do đó, các địa phương kiến nghị Dự thảo Đề án cần định hướng đẩy mạnh phân quyền cho địa phươnggắn với trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm giải trình để tăng tính tự chủ cho địa phương.

Bên cạnh đó, một số địa phương cho rằng, mô hình tổ chức địa giới hành chính hiện nay chưa có sự khác biệt về quy mô dân số, dẫn đến chưa phát huy được các chính sách đặc thù cho mỗi địa phương. Đây là vấn đề mà Dự thảo Đề án cần nghiên cứu để phù hợp hơn với thực tế và tạo động lực phát triển cho địa phương.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tỉnh ủy, thành ủy đã góp ý tâm huyết, sát sao đối với các nội dung của Dự thảo Đề án.

Theo đó, các ý kiến đã bao quát được đầy đủ các vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như: hoàn thiện thể chế; cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật; tăng cường dân chủ; kiểm soát quyền lực nhà nước; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và phân quyền cho địa phương; chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước…

Bên cạnh những nội dung trên, Chủ tịch nước đề nghị, sau Hội nghị này, tỉnh ủy, thành ủy các địa phương tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Đề án và góp ý bằng văn bản để Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án…/.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền