Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những thay đổi khó lường, sống chung với dịch bệnh đã trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, trong xây dựng chính sách tài khóa năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt – PGS,TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đưa ra quan điểm tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mới đây.



Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn do tác động của dịch bệnh

Đánh giá khái quát về tình hình cân đối ngân sách năm 2020-2021 tại Tọa đàm, PGS,TS. Vũ Sỹ Cường nêu rõ, với sự gia tăng về dịch bệnh ở nhiều địa phương những tháng gần đây, ngân sách năm 2021 theo ước tính sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2020.

Theo số liệu gần nhất của Bộ Tài chính, số thu 8 tháng năm 2021, thu NSNN ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Song, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới do độ trễ của tình hình kinh tế đến số thu thuế. Dự báo thu cân đối NSNN năm 2021 sẽ chỉ đạt khoảng 96-98% dự toán đầu năm, trong đó thu nội địa từ thuế và phí ước sẽ chỉ đạt khoảng 92-94% dự toán.
                
   

PGS,TS. Vũ Sỹ Cường phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

   

Ông Vũ Sỹ Cường đánh giá, năm 2021, dự toán thu và chi NSNN đã thận trọng hơn và bám sát hơn các yếu tố vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP và lạm phát. Dự toán NSNN năm 2021 đã cân nhắc các yếu tố thách thức như dịch Covid-19 và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Dự toán thu NSNN giảm gần 10% so với kết quả thực hiện năm 2020 là khá thận trọng và phù hợp với tình hình năm 2021. Các khoản thu chính cũng được dự toán với sự thận trọng khi hầu hết dự toán thu năm 2021 đều giảm so với dự toán năm 2020. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm dự toán thu giảm so với năm trước. Dự toán chi cân đối NSNN cũng giảm đi so với năm 2020 (chỉ bằng 96,5% dự toán năm 2020), trong đó, chủ yếu là giảm chi thường xuyên.

Tính đến hết tháng 8/2021, tổng chi NSNN ước đạt 54,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 39,2% dự toán, NSNN đã chi 17,2 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch; 1,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Vấn đề đặt ra đối với chính sách tài khóa năm 2022

Trên cơ sở đánh giá về điều hành chính sách tài khóa năm 2020-2021 cũng như những bài học rút ra, PGS,TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc xây dựng chính sách tài khóa năm 2022 sẽ phải quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN.

Thứ hai, dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.

Việc lập dự toán ngân sách thận trọng là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song cần tránh quá cứng nhắc trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định. Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ NSNN vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư. Số liệu cho thấy, việc lập dự toán và chấp hành dự toán đúng luôn là vấn đề chưa được giải quyết khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao. Khi ngân sách chuyển nguồn quá lớn lên tới gần 40% tổng chi cân đối NSNN (2019) thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

   

Thứ ba, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19. Vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Nhấn mạnh việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh, ông Vũ Sỹ Cường đề xuất, cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến cơ cấu kinh tế và lao động không chỉ năm 2021 mà cho cả giai đoạn 2021-2025; hàng loạt vấn đề về đào tạo lại lao động, đảm bảo môi trường an toàn cho lao động di cư (nhà ở, trường học, bệnh viện) đặt ra những yêu cầu mới trong lập kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn.

Thứ tư, xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Covid-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau Covid-19 cũng cần phải được chú ý đặc biệt.

Trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và DN phục hồi sau dịch. Để khuyến khích doanh nghiệp trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất năm 2021-2022 có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí.

Thứ năm, điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi cho y tế trong NSNN. Theo đó, cần xem xét tiếp tục tăng chi tiêu cho y tế khi mà dịch Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu và không thể biến mất hoàn toàn. Cơ cấu chi cho y tế cũng là điều cần xem xét; cần bố trí đủ nguồn lực cho mua vắc xin không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn 2021-2025; đồng thời tăng chi phí cho điều trị bệnh nhân Covid-19. Điều này cũng đặt ra những vấn đề cho chính sách tự chủ tài chính ở các bệnh viện công hiện nay.

Thứ sáu, để huy động nguồn ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho thu NSNN năm 2021 và cả năm 2022 song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng). Trong trung hạn từ năm 2022-2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh.

Ông Cường cũng cho rằng, trong trung và dài hạn chính sách tài khóa cần xem xét lại phân cấp chi giữa trung ương và địa phương. Việc phân cấp mạnh mẽ có những ưu điểm song cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt là các vấn đề liên vùng. Nếu không có cơ chế về tài chính và ngân sách cho việc thực hiện các dự án liên vùng thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên tỉnh. Những thách thức đặt ra khi giải quyết dịch bệnh Covid-19 và hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường càng cho thấy cần phải thiết kế lại cơ chế phân cấp ngân sách như hiện nay.

Năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Dịch bệnh Covid-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được - PGS,TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt