Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Vĩnh Phúc xác định “đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”

(BKTO) - Sáng 14/10, tại thành phố Vĩnh Yên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu, đại diện cho gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội có chủ đề: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh”.



                
   

Đồng chí Vương Đinh Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII

   

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...

                
   

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc Đại hội

   

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiệm kỳ qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhấn mạnh phương châm của Đại hội là “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

                
   

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự và chỉ đạo Đại hội

   


Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII là một sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Phúc. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; Với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân Vĩnh Phúc đãthực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 7,1%/ năm, cao hơn bình quân chung cả nước.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 1,56 lần so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người đạt 104,68 triệu đồng, tương đương 4.500 USD. Năng suất lao động cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn khoảng 7%. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế; du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, là một trong 5 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, đặc biệt thu nội địa luôn đứng ở tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của miền Bắc; là tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương(47%) trong số các tỉnh miền Bắc, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Vương Đình Huệ, Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ phía Tây Bắc và nằm trong vùng phát triển của Thủ đô Hà Nội, rất thuận lợi để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương, với các địa phương trong vùng Thủ đô, nhất là Hà Nội, nhằm huy động, khai thác mọi nguồn lực để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược.

                
   

Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội.

   

Trình bày báo cáo chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nêu rõ: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Vĩnh Phúc đã tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức được đặc biệt chú trọng; nâng cao vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Công tác giáo dục lý luận chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới.Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm” theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 7,1%/năm. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế hộ ổn định và phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao.

Vĩnh Phúc là tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và có sự chuyển biến lớn. Chính sách đối với người có công được đặc biệt quan tâm. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh (còn dưới 1%). Không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các cấp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn luôn trong tốp đầu toàn quốc.

                
   

Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025

   

Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ. Huy động, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế hiện đại, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bản sắc gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong 5 năm tới...

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục làm việc và kết thúc vào ngày 15/10./.

H. NGÂN

Cùng chuyên mục
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Vĩnh Phúc xác định “đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”