Thưởng Tết 2022: Người mừng, kẻ lo

(BKTO) - Dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng nhiều DN đã công bố mức thưởng Tết. Đối với người lao động (NLĐ), đây là khoản vô cùng quan trọng, luôn được mong chờ vào dịp này hằng năm.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

   

Háo hức với thưởng Tết

Vừa nhận thông báo về kế hoạch lương thưởng Tết của Công ty, anh Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Công ty TNHH chuyên về thực phẩm tại TP. HCM -không khỏi bất ngờ. Năm 2021 đánh dấu một năm đầy biến động với người dân TP. HCM vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, tiền thưởng của anh năm nay vẫn giữ nguyên bằng năm ngoái.

“Ngoài thưởng tháng lương thứ 13 như thường lệ, tôi còn được nhận thêm 2 tháng lương, tổng cộng khoảng 90 triệu đồng. Với mức thưởng vẫn bằng năm ngoái này, không chỉ mình tôi mà mọi người trong Công ty đều rất phấn khởi” - anh Hùng chia sẻ.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP. HCM cho biết, qua nắm bắt tình hình tại công đoàn cơ sở, nhóm sản xuất hàng tiêu dùng sẽ có mức thưởng Tết tương đương năm 2021.

Cùng với DN thực phẩm tiêu dùng, các DN FDI có mức thưởng khá cao so với mặt bằng chung. Đơn cử, tại TP. HCM, Sở LĐ-TB&XH Thành phố vừa cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đạt mức cao nhất gần 1,3 tỷ đồng/người. Mức thưởng này thuộc về DN FDI, vượt mức cao nhất của Tết Nguyên đán năm 2021 là gần 1,1 tỷ đồng/người. Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 cao nhất là 471 triệu đồng/người, cũng thuộc về một DN FDI.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, mức thưởng bình quân Tết Dương lịch 2022 của NLĐ khoảng 4 triệu đồng/người, cao hơn mức trung bình 3,4 triệu đồng/người của Tết 2021. Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán 2022 là 4,2 triệu đồng/người, giảm hơn 1/2 so với Tết Nguyên đán 2021 (8,8 triệu đồng/người).

Cùng với các DN TP. HCM, nhiều DN tại Bình Dương, Đà Nẵng… cũng đã công bố mức thưởng Tết. Tại Bình Dương, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 cao nhất là 6,2 triệu đồng, bình quân 4,4 triệu đồng/người; thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần cao nhất là 300 triệu đồng thuộc về một DN dân doanh, bình quân 7,2 triệu đồng/người. DN FDI chủ yếu thưởng 1 tháng lương thứ 13, mức cao nhất 134 triệu đồng, thấp nhất gần 4,5 triệu đồng.

Hay tại Đà Nẵng, đối với các công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022 cao nhất là 50 triệu đồng, thấp nhất là 1,075 triệu đồng. Đối với các DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng.

Đối với các DN dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 1,432 tỷ đồng, thấp nhất là 200.000 đồng. Đối với nhóm DN FDI, tiền thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, thấp nhất là 768.000 đồng.

Thấp thỏm “ngóng” thưởng Tết

Bên cạnh các công ty đã công bố thưởng Tết, theo báo cáo của một số Sở LĐ-TB&XH, không ít DN đến thời điểm này vẫn chưa lên kế hoạch lương, thưởng của năm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều NLĐ đang thấp thỏm “ngóng” thưởng Tết.

Gắn bó với nghề may hơn 10 năm, thu nhập không dư dả nhưng cũng giúp chị Nguyễn Thị Hà (Thái Nguyên) đủ lo cho gia đình. Năm 2021, chị Hà may mắn chỉ bị nghỉ giãn cách một thời gian ngắn, thu nhập giảm đi đôi chút so với mọi năm nhưng chị cảm thấy bằng lòng vì vẫn có được việc làm và thu nhập. Những tháng cuối năm, công ty nhận nhiều đơn hàng, tất cả công nhân đều căng mình làm thêm để kịp tiến độ. Chị khấp khởi hy vọng sẽ có được cái Tết đầm ấm.

Thế nhưng, đến nay, công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thưởng Tết, điều này khiến chị bồn chồn và có chút lo lắng, thấp thỏm.

“Năm ngoái, tôi được thưởng 1,5 tháng lương và làm thêm cũng được hơn 30 triệu đồng. Làm công nhân chỉ trông mong vào dịp Tết có được khoản lớn để lo trang trải những chi phí phát sinh. Hai vợ chồng dự định, có được khoản thưởng Tết sẽ mua ngói lợp lại mái nhà, vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy công ty công bố kế hoạch lương thưởng” - chị Hà chia sẻ.

Đề cập đến ý nghĩa của thưởng Tết cho NLĐ, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, các DN đang rất trăn trở với việc phục hồi sản xuất trở lại sau dịch Covid-19, đặc biệt là khối DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Theo đó, giải pháp phục hồi sau liều “kháng sinh” giãn cách xã hội là các DN cần giữ chân NLĐ bằng những chính sách lương, thưởng.

Nhận định về thưởng Tết, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - nhận định: Mặc dù mức độ hồi phục kinh tế còn chậm, DN rất khó khăn song DN vẫn cố gắng có tiền thưởng Tết để giữ chân NLĐ.

Tuy nhiên, thưởng Tết năm nay sẽ khó có mức cao đột biến và chênh lệch lớn giữa các khối DN. Theo đó, khối DN FDI vẫn duy trì mức thưởng theo doanh số. Còn các DN tư nhân và khối DN nhà nước dù khó khăn sẽ vẫn cố gắng xoay xở để có thưởng cho NLĐ.

Do đó, theo ông Huân, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đột xuất. Cùng với đó, các DN cần phải nhìn nhận việc chăm lo đời sống, tăng lương, thưởng Tết cho NLĐ sẽ là nhân tố quan trọng để hồi phục sản xuất.

Thực tế, dù gặp nhiều khó khăn nhưng rất không ít DN vẫn quyết định tăng lương để thu hút lao động mới và giữ chân lao động cũ. Điển hình, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) dù gặp không ít khó khăn nhưng DN này đã quyết định tăng lương lên 10% để giữ chân NLĐ.

Lý giải việc tăng lương giữa thời điểm khó khăn, đại diện Bidrico cho biết, việc làm này là nhằm đảm bảo cho NLĐ yên tâm: Dù dịch bệnh nhưng Công ty sẽ vẫn cố gắng điều tiết các nguồn lực để chăm lo cho họ. Ngoài ra, các chế độ khen thưởng năm trước thế nào thì năm nay giữ nguyên thế đấy, dù năm nay là năm cực kỳ khó khăn. Điều này giúp NLĐ phấn khích, yên tâm làm việc tại Công ty, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đang đến gần./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG
Cùng chuyên mục
Thưởng Tết 2022: Người mừng, kẻ lo