Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm phí, lệ phí cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

(BKTO) - Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 vừa diễn ra chiều tối nay (02/12), tại Hà Nội.



                
   

Quang cảnh Họp báo. Ảnh: H. NHUNG

   

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, về phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên Chính phủ nhận định, Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (Nghị quyết 128) được xây dựng, ban hành và triển khai rất kịp thời, đúng hướng, sát thực tế, hiệu quả và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, DN. Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tạo được lòng tin cho người dân, DN để phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương. Thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan, ngoài ra biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm và kháng thể mạnh hơn.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, các hoạt động xã hội dần được nối lại trong điều kiện thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp.

Sản xuất công nghiệp được phục hồi ở hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 600 tỷ USD, tăng 22,3%, trong đó, xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu, góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD.

Thu NSNN 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 103,4% dự toán năm. Số DN đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số DN quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 DN thành lập mới và trở lại hoạt động…

Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; việc bảo đảm các cân đối lớn và giữ ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu sức ép từ giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistic tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nhiều DN đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất kinh doanh nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu lao động, nguyên liệu và vốn...

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó chú ý điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất kinh doanh; rà soát giảm phí, lệ phí cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chỉ đạo kịp thời, quyết liệt sản xuất nông nghiệp và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tiếp tục thí điểm triển khai đón khách du lịch quốc tế, đánh giá, rút kinh nghiệm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, triển khai xây dựng Chương trình phục hồi du lịch năm 2022. Làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút người lao động trở lại làm việc, giảm thất nghiệp; mở rộng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Chuẩn bị kỹ các điều kiện để mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn…

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4, các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 để góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nghị quyết; rà soát, xác định các nhiệm vụ, giải pháp đề án và chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm rõ ràng, hiệu quả, khả thi, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thành viên Chính phủ, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước khi đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị Chính phủ với địa phương trong tháng 12/2021.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: Kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế, chương trình phục hồi kinh tế, đánh giá nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 5, kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, vấn đề gia hạn vaccine…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm phí, lệ phí cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19