Thúc đẩy phụ nữ tham chính: Cần xóa bỏ rào cản định kiến giới

(BKTO) - Thách thức đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị là định kiến xã hội về sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ. Việc thực thi chính sách này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và thái độ của nam giới, phụ nữ và của người lãnh đạo.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:molisa.gov.vn

   

Tỷ lệ lãnh đạo nữ tăng lên song vẫn thấp so với thế giới

Đánh giá về vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi -nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội - cho biết: Vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là sự đóng góp quan trọng. Không chỉ đối với xã hội mà ngay trong gia đình, phụ nữ cũng là chỗ dựa vững chắc. Điều này càng thể hiện rõ trong bối cảnh chúng ta đang gồng mình chống dịch Covid-19, thực hiện "mục tiêu kép".

Thực tế quá trình triển khai Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cho thấy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, khoảng cách giới trong các lĩnh vực đã được thu hẹp. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Kết quả này sẽ là nền tảng để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai bình đẳng giới vẫn gặp không ít thách thức, rào cản. Giai đoạn 2011-2020 đặt ra các chỉ tiêu nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn, các chỉ tiêu đưa ra đều không đạt.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, trong 10 năm qua, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cấp có tăng lên và có sự đại diện của nữ giới trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của đất nước là Bộ Chính trị và Quốc hội. Lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Song kết quả cho thấy sau 10 năm thực hiện Chiến lược, việc tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lãnh đạo, quản lý không chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương rất thấp. So sánh từ quốc tế cho thấy, năm 2019, tỷ lệ nữ tham gia chính trị của Việt Nam đã tụt bậc trong Bảng xếp hạng toàn cầu: 110/153 quốc gia.

Đáng chú ý, Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu trong 10 năm từ 2011 đến 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ ra rằng, chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam (được xếp hạng theo 4 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế) không ổn định và có xu hướng đi xuống, từ xếp thứ 79/135 nước (2011) đến 83/145 (2015) và 87/153 (2020).

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, việc thực hiện mục tiêu chưa đạt do hệ thống các chỉ tiêu trong các văn bản liên quan được ban hành chưa nhất quán, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý chưa mang tính hệ thống, thiếu đồng bộ trong các khâu của công tác cán bộ. Việc áp dụng chung một mức chỉ tiêu cho các cấp hành chính ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) dẫn đến tình trạng chỉ tiêu quốc gia có thể quá cao so với thực tế của địa phương, do vậy thiếu tính khả thi.

Thể chế hóa các chỉ tiêu

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, thách thức đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị là định kiến xã hội về sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ. Việc thực thi chính sách phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và thái độ của nam giới, phụ nữ và của người lãnh đạo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cũng thẳng thắn cho rằng, một số giải pháp đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 chưa thực sự được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa nghiêm.

“Để thúc đẩy phụ nữ tham chính, cần thể chế hóa các chỉ tiêu thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, gắn với mục tiêu bình đẳng giới được xác định trong Luật Bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, hài hòa với các chỉ số đánh giá bình đẳng giới của quốc tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa một số chỉ tiêu thúc đẩy phụ nữ tham chính vào các văn bản quy phạm pháp luật thích hợp để tăng cường việc thực thi chính sách” - ông Lợi kiến nghị.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu mà chiến lược đề ra, theo các chuyên gia, cần phải đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược được lồng ghép một cách nghiêm túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.

Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào việc thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, đây là điều cốt lõi để thúc đẩy bình đẳng giới mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc quan trọng nhất là cần phải xóa bỏ định kiến giới. Cần có sự bình đẳng giới hơn nữa trong xã hội. Đây là một chiến lược dài hơi, cần có sự thống nhất, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng./.
LÊ BẢO

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phụ nữ tham chính: Cần xóa bỏ rào cản định kiến giới