Thủ tướng: Phát triển cần hài hòa

(BKTO) - Chiều 30/3, phát biểu tại phiên họp toàn thể đối thoại chính sách Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “hài hòa là giá trị truyền thống của châu Á. Mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên chính phủ, doanh nghiệp, người dân”.



Các nhà lãnh đạo GMS, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác GMS và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV).

Cùng dự Diễn đàn có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Phó Tổng thống Myanmar Henry Van Thio, Ủy viên Quốc vụ CHND Trung Hoa Vương Nghị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và gần 2.600 doanh nghiệp…

Cùng các nhà lãnh đạo, Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh sự tham gia đông đảo nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực, “các bạn chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong”.

Tiềm lực nhỏ có thể tạo sức mạnh lớn nếu…

Thủ tướng cho biết, GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì đó là một “nền kinh tế” quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu các quốc gia, đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, chúng ta sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung; mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục, đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21. Theo đó, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022, đó là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

Theo Thủ tướng, để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

Bên cạnh đó, ngoài vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò chất xúc tác và hỗ trợ của các định chế quốc tế như ADB, WB thì nhóm hành động không ai khác hơn chính là cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn hôm nay chính là nơi để thúc đẩy các sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ giữa chính phủ, chính quyền các cấp với nhau mà còn với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là đề cao vai trò của kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực GMS và CLV.

Giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, năm 2017, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt trên 60 tỷ USD.

Theo WB, chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190; theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137, và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127. Tất cả điều đó, phần nào thể hiện lòng tin, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, những thành quả ban đầu đó là động lực để chúng tôi tiếp tục tự tin thúc đẩy cải cách: Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không làm thay thị trường và doanh nghiệp mà tập trung kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Nhà nước quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở, chỉ đầu tư vào những khu vực quan trọng mà các doanh nghiệp tư nhân khó có thể đầu tư.

Việt Nam phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD. Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn 15-17%.

Tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, đồng thời xác định trọng tâm trong 2018-2019 là ký kết, phê chuẩn đưa vào hiệu lực 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU, đồng thời đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP và một số hiệp định khác. Chỉ với hiệu lực của CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường lớn của gần 40 nước phát triển. Đó là điều mà các nhà đầu tư quốc tế không thể bỏ qua.

Đối với giao thông, với tư cách là một trong 3 trụ cột quan trọng của GMS, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch. Ngoài các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như từ Thành phố Hồ Chi Minh đi cần Thơ, Cà Mau; từ Hà Nội đi Hải Phòng, từ Hà Nội đi Lào Cai (kết nối đến Côn Minh, Trung Quốc), từ Hà Nội đi Lạng Sơn (kết nối đến Nam Ninh, Trung Quốc), đây chính là sự kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Việt Nam cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc đầu tư vào giao thông trên các hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Bắc -Nam (NSEC) và hành lang phía Nam (SEC)...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nguồn lực mới đến từ đâu?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có những chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình. GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình, mỗi nền kinh tế chúng ta cần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. Phải chăng đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài khác dành cho khu vực GMS và CLV của chúng ta.

Một nguồn lực mới quan trọng xuất phát từ khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ. “Hơn ai hết, các doanh nghiệp tại đây hiểu rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới sẽ là yếu tố tiềm năng kết nối các nền kinh tế GMS và CLV lại với nhau theo cách phi truyền thống, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của những nhà khởi xướng GMS cách đây 25 năm”, Thủ tướng nói.

Những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, chúng ta cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà.

Phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu, là mệnh lệnh của các thế hệ tương lai đối với mỗi quyết định, hành động của chúng ta ngày hôm nay. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu. “Hài hòa” là giá trị truyền thống của châu Á, tôi cho rằng mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi íchcủa các bên chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

“Trong dòng chảy kinh tế đang kết nối các nền kinh tế khu vực Mekong, chúng tôi coi thành công của các bạn là thành công của chính mình”, Thủ tướng bày tỏ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu khẳng định vị trí chiến lược của các quốc gia GMS trong tổng thể phát triển và thịnh vượng chung của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các phát biểu đều đánh giá cao tốc độ phát triển của khu vực GMS, cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, lên tới 6,1 %/năm vừa qua, trong tương lai không xa, Tiểu vùng sông Mekong có thể trở thành một trong những vùng đất có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Cácđại biểu cũng nhất trí, nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng này có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.

*Ngày mai, 31/3/2018, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ sáu sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Theo ĐỨC TUÂN
chinhphu.vn
Cùng chuyên mục
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng IPU – 138 và thăm chính thức Vương quốc Hà Lan
    6 năm trước Đối nội
    Sáng nay, 30/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 138 (IPU - 138) và thăm chính thức Vương quốc Hà Lan.
  • Đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018...
  • Phát động Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ III
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Với nhiều điểm mới so với 2 mùa giải trước, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III - năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần cổ vũ báo chí tích cực tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; lãnh đạo một số Bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.
  • Mê Công: Dòng sông hợp tác và phát triển
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhân dịp Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) do Việt Nam chủ trì tổ chức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 29-31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết "Mê Công: Dòng sông hợp tác và phát triển", Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài viết.
Thủ tướng: Phát triển cần hài hòa