Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ

(BKTO) - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ, đồng thời trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.



                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình các chất vấn của đại biểu Quốc hội- Ảnh: quochoi.vn

   
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức

Phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể.

"Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững. Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa- tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

Theo quy luật phát triển, các quốc gia khi đạt mức thu nhập trung bình đều phải đối mặt với thách thức về lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức này.

Theo Thủ tướng Chính phủ, muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đổi mới sáng tạo là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế.

Nhấn mạnh thông điệp tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của ngày hôm nay, Thủ tướng nói: Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

“Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...Nhân đây, tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”- Thủ tướng nói.

9 trọng tâm triển khai thời gian tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ 9 trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai.

Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thứ hai, quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập, nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…;nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.

Thứ tư, thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho DN phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thứ năm, ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.

Thứ chín, nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.

Cần tìm ra động lực mới để tăng trưởng nhanh và bền vững

Sau phần phát biểu, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, liên quan đến: giải pháp để bộ máy của Chính phủ, các Bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại; công tác dân vận; vấn đề tự do tôn giáo; biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; việc xử lý kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng…

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về nợ xây dựng cơ bản, Thủ tướng cho rằng, để thực hiện Luật NSNN và Luật Đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng. Hiện Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng khoản dự phòng chung trong đầu tư trung hạn để thanh toán khối lượng nợ xây dựng cơ bản.

Giải đáp câu hỏi về động lực tăng trưởng cho năm 2019- 2020 của nước ta, Thủ tướng cho rằng, trong ngắn hạn, chúng ta tiếp tục dựa vào những động lực hiện có từ góc độ tổng cầu, đó là tiêu dùng của hộ gia đình đóng góp tới gần 3/4 tăng trưởng GDP; đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài. Về phía cung là 3 khu vực kinh tế dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, nhà nước và FDI.

Trong trung hạn, chúng ta cần tìm ra động lực mới để tăng trưởng nhanh và bền vững từ các nguồn: phát triển DN tư nhân, đặc biệt là tư nhân trong nước; đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả DNNN; nuôi dưỡng sức cầu nội địa bằng cách không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân; phát huy tận dụng tốt các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký; phát triển đô thị trở thành đầu tàu tăng trưởng, khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt; đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, còn một động lực mới đó là phát triển mạnh mẽ, đúng quy hoạch các loại hình đô thị.

“Giải pháp căn cơ, giải pháp cho mọi giải pháp là cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật và quản trị quốc gia”- Thủ tướng nhấn mạnh.

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ