Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt mục tiêu đề ra

(BKTO) - Ngày 21/10, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN trong 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng.



                
   

Nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK- Ảnh: TTXVN

   
Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP; trong đó, từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP theo kế hoạch.

Bộ Tài chính nhận định, cơ cấu thu, chi ngân sách đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%, giai đoạn 2016-2018 là 80,5%, lên mức 82% năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020.

Trong khi đó, thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, giai đoạn 2016-2018 là 19%, xuống còn 17,7% năm 2019 và 16,1% dự toán năm 2020.

Về cơ cấu chi, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần, thực hiện giai đoạn 2016-2020 ước đạt 27-28%, vượt mục tiêu kế hoạch là 25-26%. Tổng chi đầu tư phát triển của NSNN ước thực hiện đạt 2,15 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng.

Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần: dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%, vượt mục tiêu kế hoạch là dưới 64%

Tỷ lệ dự toán bội chi NSNN giảm dần, năm 2020 dự kiến còn 3,44% GDP. Ước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6-3,7% GDP.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện so với năm 2016. Đến cuối năm 2020 dự kiến nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP. Riêng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ mức 44,8% GDP năm 2016 lên 45,5% GDP năm 2020 (giới hạn là 50% GDP) chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp tăng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính vẫn còn một số khó khăn tồn tại như tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, năm 2020 dự kiến là 19,4% GDP, chủ yếu do đóng góp từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm nhanh, trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao.

Đồng thời, việc chậm triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm cũng khiến việc thực hiện mục tiêu thu nội địa bình quân cả giai đoạn khoảng 84-85% gặp nhiều khó khăn. Việc giao dự toán thu của 3 khu vực kinh tế thường cao hơn khả năng thực hiện, đồng thời trong những năm qua, đóng góp thu của một số doanh nghiệp lớn như thuốc lá, rượu bia, thép,... tăng trưởng chậm, nên điều hành gặp khó.

Cơ cấu lại chi đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, phân bổ còn dàn trải, triển khai kế hoạch đầu tư công hàng năm chậm. Chi đầu tư phát triển của NSNN ước vượt kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, nhưng số vượt là của ngân sách địa phương tăng 300 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ nợ công so với GDP tuy đã có xu hướng giảm, nhưng còn nhiều rủi ro. Trường hợp giải ngân vốn vay theo đúng kế hoạch, thì nợ công có thể tăng thêm khoảng 1,7-1,8%GDP.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xử lý tài chính một số DNNN, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin...) sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công.

ĐÔNG SƠN (Theo TTXVN)
Cùng chuyên mục
  • Phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với kết quả đạt được, song đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề để thấy rõ hơn những kết quả đạt được cũng như làm rõ cơ sở xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
  • Tập trung giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất của vùng dân tộc thiểu số và miền núi
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (Đề án), được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp chiều nay 21/10.
  • Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 01/7/2020
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đáng chú ý, Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020. Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng thêm 110.000 đồng/tháng so với hiện tại (hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng).
  • Sẽ thiệt hại cho NSNN gần 5.000 tỷ đồng nếu lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về việc đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
  • 99,42% kiến nghị của cử tri đã được xem xét giải quyết và trả lời
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sáng 21/10, trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị, qua phân loại, tổng hợp còn 2.224 kiến nghị. Đến nay, 2.211 kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời, đạt 99,42%.
Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt mục tiêu đề ra