Thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư: Cơ hội "vàng" cho người biết "đãi"

(BKTO)- Việt Nam được đánh giá là điểm sáng cho sự chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn lớn khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua đón sóng đầu tư này, để vượt qua những "đối thủ" nặng ký trong khu vực lại là điều không hề dễ dàng.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Chạy đua đón sóng đầu tư

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan. Covid-19 xuất hiện khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến các doanh nghiệp càng thấy rõ sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Một thông tin gần đây đang được dư luận quan tâm là việc 27 công ty Mỹ rời Trung Quốc sẽ chọn nước nào là điểm đến. Nhưng điều làm giới kinh doanh trong nước ngạc nhiên và có phần thất vọng là Việt Nam không phải là điểm đến sáng nhất như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ.

Những thông tin tham khảo cho thấy Việt Nam chỉ nằm trong nhóm có nhiều khả năng là điểm đến của các công ty Mỹ, cùng với Indonesia, Ấn Độ, thậm chí cả Mexico. Nhưng Indonesia và Ấn Độ đều đang chủ động đưa ra những ưu đãi hết sức cụ thể để chào mời.

Đơn cử như Indonesia, mặc dù được đánh giá yếu thế hơn so với các "đối thủ" khác, tuy nhiên, Indonesia đang chủ động vượt lên đón sóng đầu tư dịch chuyển.

Theo đó, từ năm 2019, Indonesia đã nhận thấy mình không phải là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 nhấn mạnh yếu tố pháp lý không ổn định, chủ nghĩa dân tộc kinh tế, hạn chế xuất nhập khẩu là những yếu tố khiến việc đầu tư vào Indonesia không hấp dẫn.

Cùng với đó, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã thông báo về 33 nhà đầu tư lớn dịch chuyển khỏi Trung Quốc, điểm đến được cho là Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và một số tới Malaysia chứ không có Indonesia.

Đánh giá về tiềm năng của Indonesia,chuyên gia Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định:Nhiều người tại thời điểm đó cho rằng Indonesia không phải là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài khi rút khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên không phải vậy.

Vị chuyên gia phân tích, gần đây, Indonesia đã thể hiện nhiều nỗ lực cải cách để thay đổi quyết định của các nhà đầu tư. Trước hết, họ giảm thuế. “Tại Indonesia, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, họ đặt mục tiêu giảm thuế về mức 23% năm 2021, tương đương mức trung bình của ASEAN. Doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. Doanh nghiệp có doanh thu từ 4,8 - 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi”, ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, Luật Lao động của Indonesia cũng được đánh giá là “lủng củng” làm nhà đầu tư ngại bước vào để sản xuất kinh doanh. “Nhưng nay Indonesia đã thay đổi, quy định về lao động được thực hiện đồng nhất giữa các địa phương để nhà đầu tư an tâm hơn”, ông Sơn cho biết.

Đặc biệt, Indonesia cũng đã mở môi trường đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, công nghệ cao. Thủ tướng Indonesia cũng được nhận định là có khả năng duy trì ổn định chính trị của quốc gia này. Chính những điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu để ý Indonesia.

Cũng theo chuyên gia Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Xét về dài hạn, Indonesia có số dân gấp 3 Việt Nam, do đó, về lâu dài, đây là thị trường lý tưởng cho các nhà đầu tư.

Logistics của Indonesia dù không phát triển nhưng lại có lợi thế gần Singapore. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng hệ thống logistics, hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng của Singapore ngay bên cạnh.

“Indonesia ngoài dân số lớn còn có nguồn tài nguyên mạnh. Do đó, 5 tháng gần đây Indonesia cùng với những thay đổi yếu tố môi trường kinh doanh đã thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ”, ông Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cơ hội "vàng" cho người biết "đãi"

Tới thời điểm hiện tại, dù trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành và nhiều dự báo bi quan về kinh tế toàn cầu năm 2020, thì các định chế tài chính uy tín trên thế giới đều cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững, tăng trưởng cao nhất trong khối các nước ASEAN, cho dù GDP giảm so với dự kiến (6,8%). Ngân hàng Thế giới dự báo, trong trường hợp xảy ra kịch bản xấu nhất của đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam sẽ giảm 1,5% trong năm nay, nhưng đây là mức giảm rất thấp so với hàng loạt quốc gia khác. Ví dụ so với Thái Lan khi dự báo sẽ giảm khoảng 5,3%.

Khi nhìn nhận đại dịch cũng như hậu đại dịch, nhiều phân tích cho rằng Việt Nam sẽ nhận được “phần lớn nhất” của “làn sóng dịch chuyển thứ 2” khi các nhà máy di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

Cơ hội là hiện hữu, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Xu hướng thế giới chỉ tăng đầu tư tại một số nước, Việt Nam may mắn nằm trong số nước thu hút đầu tư tăng. Nhưng để thu hút được dòng vốn này trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt.

“Căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc, nhiều nước đều có chính sách vô cùng cạnh tranh để đón lõng dòng vốn này, như Thái Lan có gói kích thích rất lớn. Trung Quốc để tăng sức hấp dẫn chính sách nhằm giữ chân dòng vốn cũng đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức rõ được điều này và cũng đã có Luật Đầu tư nước ngoài mới”, Thứ trưởng Thắng thông tin.

Trong bối cảnh này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, khi các tập đoàn đa quốc gia phục hồi sản xuất - kinh doanh, định hình lại chiến lược đầu tư kinh doanh trong chuỗi sản xuất, cơ hội được đánh giá là sẽ đến với Việt Nam, tùy thuộc vào các giải pháp xử lý khủng hoảng và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong tương quan với các nước trong khu vực, cũng như khả năng phục hồi và hấp thụ các cơ hội của doanh nghiệp.

Nhìn nhận cơ hội đến từ sự chuyển dịch làn sóng đầu tư gắn liền với chuỗi giá trị và sản xuất thời hậu dịch là rõ ràng, song các doanh nghiệp trong nước vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (VASI) cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nắm được thông tin các công ty đa quốc gia có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ ba và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, tuy nhiên, câu chuyện đón làn sóng chuyển dịch đầu tư là không hề đơn giản.

“Thực tế, việc chuyển cơ sở sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ ba ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia xúc tiến từ vài năm trở lại đây. VASI và các doanh nghiệp hội viên đã tiếp rất nhiều khách hàng như vậy. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được yêu cầu của các đối tác. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…”, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch VASI nhìn nhận.

Một lần nữa, những hạn chế về quy mô, năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước lại là rào cản khiến các nhà sản xuất trong nước không thể tự tin đón nhận cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại, với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm”, đại diện VASI lý giải.

Ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó cạnh tranh về giá so với các nước, do chi phí cao bởi lãi vay ngân hàng, thuế và phí các loại, chi phí không chính thức cao.

Trong khi đó, các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như công nghiệp hỗ trợ không tiếp cận được, không hiệu quả, hoặc rất ít.

“Nếu so sánh với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo Trung Quốc (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) được thụ hưởng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi”, bà Bình trăn trở.

Trong khi đó, theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Thaco: Giá thành và năng lực còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hệ thống logistic đang là điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam chậm chân trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường.

Chính vì vậy, Chủ tịch Thaco thẳng thắn cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành logistic là một trong những yếu tố cốt lõi cần cải thiện ngay để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đánh giá về cơ hội cho Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng: Việt Nam nhìn thấy cơ hội vàng, nhưng có vàng không còn tùy thuộc vào người có biết đãi vàng không. “Chúng ta cần biết sốt ruột để tận dụng cơ hội. Để thu hút đầu tư, theo tôi Nghị quyết số 50-NQ/TW là chưa đủ. Cần có chiến lược bài bản để thu hút dòng vốn đầu tư. Ví dụ, Ấn Độ dành đất đai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút, nhận diện nhà đầu tư để tiếp cận, công bố kế hoạch giảm thuế, điều chỉnh môi trường lao động... Nếu đã có Nghị quyết mà vẫn từ từ, hành động thủng thẳng thì Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội hàng trăm năm”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư: Cơ hội "vàng" cho người biết "đãi"