Thế giới chạm mức 3 triệu ca nhiễm Covid-19

(BKTO)- Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng ngày 28/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 3.060.189 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 211.235 ca tử vong và 919.812 ca phục hồi. Còn tại Việt Nam, theo Bản tin lúc 6h00 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết không có ca mắc mới nào đến thời điểm này.




Ngày thứ 12 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng - Nguồn: Bộ Y tế

Hơn 210.000 người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất trên thế giới. Mỹ đã có hơn 1 triệu ca lây nhiễm, trong đó 56.777 ca tử vong và 137.805 ca phục hồi.

Châu Á ghi nhận có 483.053 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong 17.575 ca tử vong và 236.485 ca phục. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ, Iran va Trung Quốc là tâm dịch của châu Á. Iran cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi số ca tử vong tăng theo ngày giảm xuống mức thấp nhất trong vòng vài tuần qua. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có 60 ca tử vong vì Covid-19, giảm so với mức trung bình khoảng 90 người/ngày.

Tại châu Phi, số ca mắc Covid-19 vượt mốc 33.000 trường hợp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC)- cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) cho biết hiện dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở 52/55 quốc gia của châu lục.

Tổng số ca lây nhiễm vì Covid-19 ở châu Phi tính đến nay là 33.839 ca và 1.464 ca tử vong. Vào tuần trước, ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: “Dịch bệnh mới chỉ bắt đầu tại châu Phi”.

WHO đã đưa ra cảnh báo, châu lục này sẽ có khoảng 10 triệu người nhiễm Covid-19 trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ tử vong tại châu Phi có thể sẽ thấp hơn nếu chính quyền các quốc gia tại châu lục nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch Covid-19 ở châu Phi với 4.793 ca hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tiếp đó là các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập (4.782 trường hợp), Maroc (4.120 trường hợp) và Algeria (3.517 trường hợp).

Tại châu Âu ghi nhận đã có tổng cộng 1.300.897 ca nhiễm Covid-19, trong đó 123.932 ca tử vong. Số ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ là 24.089 trường hợp và 2.047 ca tử vong vì dịch bệnh. Châu lục này cũng ghi nhận đã có 446.423 ca phục hồi.

Một số nước châu Âu vừa thông báo sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 sau khi ghi nhận tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại “lục địa già”. Hiện Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế. Các quốc gia này ghi nhận số ca lây nhiễm đã bắt đầu giảm từ việc áp đặt lệnh hạn chế và phong tỏa.

Italy, quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định áp đặt lệnh phong tỏa kể từ tháng 3, tính đến nay đã ghi nhận đã có gần 27.000 ca tử vong vì Covid-19. Số ca tử vong của Italy hiện đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, trong cả tuần qua, số ca nhiễm mới tại Italy giảm mạnh, với tỷ lệ tăng ghi nhận hằng ngày ở mức thấp từ 0,2-0,7%, đủ để nước này từng bước đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường. Lệnh phong tỏa được coi là công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cho tới khi vắc xin phòng ngừa được phát triển.

Tình hình dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha tiếp tục có những diễn biến tích cực khi Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 27/4 thông báo đã có hơn 100.000 người bình phục. Giới chức nước này cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế khi ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua dưới 300 người, mức tăng thấp nhất trong nhiều tuần qua. Theo đó, các nhà máy và công ty tại nước này đã bắt đầu được phép mở cửa trở lại.

Pháp hiện đang áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc trong nhiều tuần. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết sẽ đệ trình một chiến lược quốc gia về việc chấm dứt lệnh phong tỏa lên Quốc hội vào ngày 28/3. Chính quyền Paris đã nêu rõ 17 ưu tiên khi chấm dứt lệnh phong tỏa tại quốc gia này, bao gồm việc mở cửa trở lại trường học, các công ty và giao thông công cộng được phép hoạt động bình thường, sự cung ứng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, chính sách xét nghiệm và hỗ trợ cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Hy Lạp và Malta cũng đã tuyên bố dần nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh trong cộng đồng
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 28/4, Việt Nam bước sang ngày thứ 12 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện số mắc vẫn là 270 ca, trong đó có 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 45.466, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 8.459; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 36.684.

Về tình hình điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 - cho biết, trong số 270 bệnh nhân, hiện đã điều trị khỏi bệnh và ra viện là 222 trường hợp, còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh. Trong 48 ca đang điều trị tại các bệnh viện, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 8 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 6 ca.
AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Thế giới chạm mức 3 triệu ca nhiễm Covid-19