Thách thức chạy 'nước rút' giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương

(BKTO) - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương tính đến ngày 30/11 mới đạt 39,5% dự toán được giao, theo đó nhiệm vụ từ nay cuối năm chỉ còn 3 tuần và khối lượng còn lại là rất lớn.




(Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thử/TTXVN)

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trong tháng 11 đã có nhiều chuyển biến tích cực song trên thực tế tiến độ này vẫn rất chậm so với kế hoạch.

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương tính đến ngày 30/11 mới đạt 39,5% dự toán được giao (trong đó, dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh) và chưa đạt mốc 50%. Do đó, nhiệm vụ từ nay cuối năm chỉ còn 3 tuần và khối lượng còn lại là rất lớn. Các địa phương đã được điều chỉnh kế hoạch và cam kết với Thủ tướng Chính phủ giải ngân đạt 100% trong khi khối lượng cần giải ngân trong thời gian tới là rất nhiều,” ông Long nói.

Khó ở khâu giải phóng mặt bằng

Cụ thể, báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chỉ rõ tỷ lệ giải ngân vốn từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 41% dự toán (điều chỉnh), trong đó 4/62 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% là Hà Nội, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn từ nguồn Chính phủ cho vay lại đạt 38% dự toán được giao và 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài tính đến thời điểm hiện tại là 76% dự toán được chuyển nguồn và kéo dài.

Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến cuối tháng 11, Thành phố giải ngân được 1.612 tỷ đồng, tương ứng 31% kế hoạch. Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi tiến độ giải ngân đến hết tháng 10 là 25%. Đại diện của Đà Nẵng cho hay dự kiến đến hết tháng 1/2021, thành phố sẽ giải ngân đạt 63,5%.

Với Vĩnh Phúc, khối lượng vốn được giao trong năm 2020 là rất lớn 1.148 tỷ đồng, tuy nhiên theo số lượng đại diện Tỉnh báo cáo đến nay chỉ mới giải ngân được 9,49%.

“Các địa phương được giao khối lượng vốn lớn mà tỷ lệ giải ngân quá thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc,” ông Long trao đổi.

Đánh giá về tiến độ hoàn thành kế hoạch, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính chỉ ra trị giá giải ngân tiếp tục tăng song tốc độ tăng có dấu hiệu chậm lại do một số dự án không còn nhiều khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán, thêm vào đó các tỉnh miền Trung phải tập trung ứng phó với tình hình thiên tai.

Báo cáo của các địa phương chỉ ra những khó khăn chung vẫn thuộc về công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng. Ngoài ra, việc chậm ký hợp đồng vay lại cũng là một nguyên nhân chủ quan cần được tính đến.

Một số yếu tố khách quan khác như sau khi hiệp định vay được ký kết và có hiệu lực, các chủ dự án thường tập trung vào công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… và tổ chức đấu thầu thi công để có khối lượng giải ngân, nên chưa chú trọng việc hoàn thiện và ký kết các hợp đồng vay lại...

Chậm trễ hướng dẫn từ cấp quản lý trung ương

Bên cạnh đó, nguyên nhân của việc giải ngân chậm cũng có những vấn đề xuất phát từ phía các cơ quan trung ương. Các đại diện địa phương cho biết hiện chưa có sự hướng dẫn rõ về phương án xử lý đối với trường hợp các dự án được giao với tổng mức đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng giao dự toán vốn chưa rõ sẽ căn cứ vào tổng mức đầu tư bằng ngoại tệ hay quy đổi sang VND theo tỷ giá cố định (tại thời điểm quyết định đầu tư).

Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng chưa có hướng dẫn rõ đối với nội dung giao dự toán vốn đầu tư công hàng năm và vốn đầu tư công trung hạn. Trường hợp cấp có thẩm quyền đã giao dự toán hàng năm đủ theo tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao, tuy nhiên dự toán năm 2019 giao chậm và không thực hiện hết, bị hủy dự toán, thì chưa rõ có được giao lại số dự toán năm đã bị hủy hay không? Hay, việc giữ lại 10% trong tổng vốn nước ngoài và không giao trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong khi dự án chỉ còn được giải ngân đến 31/12.

Ngoài ra, các cấp quản lý cũng chưa hướng dẫn rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì dự án ô trong việc tham gia ý kiến đối với các dự án mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người quyết định đầu tư…
(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Trước tình hình gấp rút, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Bộ Tài chính đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Cụ thể, sau khi rút vốn, hồ sơ ghi thu ghi-chi phải gửi Kho bạc để hoàn thành việc hạch toán trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 31/01/2021).

Đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành và được Kho bạc kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân hay các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ về Bộ.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn,” ông Long nói.

Ngoài ra, đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, ông Long nhấn mạnh các địa phương cần làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để hoàn tất thủ tục giải ngân ngay sau khi có kết quả kiểm đếm. Các khoản vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc, các chủ dự án cũng phải khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ.

“Các địa phương, chủ đầu tư cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến ‘không phản đối’ ở các giai đoạn triển khai dự án, đặc biệt đối với khối lượng công việc hoàn thành cần được chấp thuận của nhà tài trợ để giải ngân, ông Long nói./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Thách thức chạy 'nước rút' giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương