Tập trung thực hiện "đa mục tiêu", từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo, ngày 05/3.



                
   

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

   

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các ý kiến đều khẳng định tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tới ngày 03/3, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1 với các đối tượng từ 18 tuổi, mũi 2 là 98,4% và mũi 3 là 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%. Hoàn thành các thủ tục để mua 22 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi điện đàm với Thủ tướng, lãnh đạo hãng Pfizer đã cam kết cố gắng hoàn thành việc bàn giao vaccine chậm nhất trong quý II/2022.

Thủ tướng khẳng định chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới, riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đã tiêm được 14 triệu liều. Chúng ta cũng đang nghiên cứu việc tiêm mũi 4.

Chúng ta đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và tại nhà. Kiểm soát rủi ro dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.

Về bảo đảm thuốc điều trị, Thủ tướng cho rằng đây là việc khó nên được tiến hành rất thận trọng, hướng tới vừa giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra chưa có tiền lệ, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, vừa tuân thủ các quy định. Bộ Y tế đã cấp phép được một số loại thuốc để phòng, chống dịch. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm các loại thuốc phù hợp tình hình, thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật.

Việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết và tình hình đang có triển vọng tích cực.

Thời gian tới, dự báo diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch tốt, tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng nêu rõ tập trung thực hiện "đa mục tiêu" là tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững; chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức "5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác".

Thủ tướng nhấn mạnh cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine theo tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", trong quý I phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm); hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…

Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng chữa bệnh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về thời gian cách ly F0, F1; nghiên cứu công bố các chỉ số, số liệu liên quan phòng, chống dịch một cách cần thiết, hiệu quả, khoa học, phù hợp tình hình và thông lệ quốc tế; hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị thống nhất, hiệu quả…

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về an sinh xã hội.../.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Ngày 06/3: Số mắc Covid-19 lên đến 142.136 ca; tăng hơn 10.000 so với hôm qua
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Theo Bản tin của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 05/3 đến 16h ngày 06/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 142.128 ca ghi nhận trong nước (tăng 10.348 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 92.874 ca trong cộng đồng).
  • Giải tỏa ùn ứ nông sản xuất khẩu bằng con đường chính ngạch
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Những năm gần đây, tình trạng ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông - hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã trở thành câu chuyện "đến hẹn lại lên", "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Vậy, đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?
  • Ngày 05/3, số mắc Covid-19 mới tăng lên 131.817 ca; hơn 26.500 ca khỏi bệnh
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Bản tin của Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 04/3 đến 16h ngày 05/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 131.817 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 131.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.212 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 88.572 ca trong cộng đồng).
  • Đảng đoàn Quốc hội triển khai các nhiệm vụ của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022.
  • Lương tối thiểu vùng: Khi nào tăng?
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - 2 năm qua, chia sẻ với khó khăn của DN, Hội đồng Tiền lương quốc gia và các bên liên quan đã thống nhất không tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, nếu năm nay, lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng, đời sống của người lao động (NLĐ) sẽ rất khó khăn, năng suất lao động giảm và thiệt hại lớn chính là DN.
Tập trung thực hiện "đa mục tiêu", từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19