Tập trung phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối

(BKTO)- Chiều 2/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Buổi họp báo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.



GDP quý I/2019 tăng 6,79%

Thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 của Chính phủ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02, 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT- TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý I/2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2019, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra Tổ công tác tháng 3/2019 cùng một số vấn đề khác…
                
   

Quang cảnh buổi họp báo- Ảnh: Thanh Tùng

   

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Trong thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, của nhân dân như vụ việc ở chùa Ba Vàng, tình trạng bạo lực học đường với một số vụ việc như vụ học sinh cấp II hành hung bạn ở Hưng Yên, vụ việc xảy ra tại trường học ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nghệ An, tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn tới hàng trăm kg, trong đó 3 vụ vừa triệt phá tổng cộng tới hơn 1 tấn, rồi dịch bệnh trên người và gia súc lây lan ra nhiều địa phương… Trong đó, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh không chỉ diễn ra ở Hưng Yên mà còn ở không ít các địa phương khác, đây có phải vấn đề báo động hay không? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn.

Về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên…

Cụ thể: GDP quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011- 2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề như: Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ NSNN tăng 3,2% so với quý I/2018; khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá; tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14% tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%...

Quyết tâm hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019
                
   

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

   

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019, đúng như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là năm 2019 phải tốt hơn 2018.

Theo đó, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.

Trong tháng 3, Tổ công tác của Thủ tướng tập trung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết; rà soát việc cắt giảm thực chất các quy định gây khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh. Trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 4.937 nhiệm vụ. Trong đó, có 885 nhiệm vụ đã hoàn thành, 3.852 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn, 200 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, chiếm 4,1%.

Về Nghị quyết 01/NQ-CP, trong quý I, các Bộ, cơ quan phải hoàn thành 36 nhiệm vụ nhưng đến thời điểm kiểm tra (ngày 14/3/2019), mới chỉ có 2 nhiệm vụ hoàn thành. Ngay sau buổi kiểm tra, các Bộ, cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giao. Đến nay, có thêm 14 nhiệm vụ được hoàn thành. Như vậy còn 20 nhiệm vụ đang yêu cầu quyết liệt thực hiện.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà các nhà báo và dư luận quan tâm thời gian qua, như: Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á; một số vấn đề liên quan đến đề án sữa học đường của Chính phủ; xung quanh thông tin Bộ Công thương bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Bộ Công an liệu có công bố danh tính phụ huynh và học sinh trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang không; những lùm xùm xung quanh kết quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây; giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp với Bộ Công an xử lý các hiện tượng mạng xã hội như hiện tượng “Khá Bảnh” hiện nay; lý giải của Bộ Công thương về việc giá xăng tăng mạnh lần này…
                
   

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: nld.com

   

Về việc tăng giá xăng vào chiều ngày 02/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên Bộ Công Thương-Tài chính vừa phát đi thông tin điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086- 1.219 đồng mỗi lít, kg tùy loại.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau nhiều đợt được xả mạnh, ở kỳ điều hành lần này nhà điều hành đã giảm khá nhiều. Mức xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hoả là 0 đồng.

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thường chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng, nhưng việc quản lý điều hành giá xăng dầu thành phẩm phải theo thị trường có sự định hướng của Nhà nước. Hiện có 28 đầu mối xuất nhập khẩu trực tiếp xăng dầu, Petrolimex chỉ là 1 trong 28 đầu mối.

Việc điều hành theo chu kỳ 15 ngày/lần theo quy định của Nghị định 83, có công thức áp dụng. Do đó, sau 15 ngày mọi người có thể tính toán biết được chiều hướng tăng hoặc giảm. Nhưng thực tế điều chỉnh có sử dụng hỗ trợ cả từ quỹ bình ổn tác động điểm nào đó, Nhà nước không bỏ ngân sách nào can thiệp trong điều hành.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
Tập trung phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối