Tăng cường các giải pháp kích cầu phát triển kinh tế

(BKTO) - Chiều 6/8, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để kích cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế.



                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

   

Tháo gỡ bất cập, kích cầu nội địa

Nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2019, việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện của Chính phủ và các cấp, các ngành, địa phương.

Bước vào năm 2020, trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, cử tri và nhân dân đánh giá cao những giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ đã giúp ngăn chặn dịch kịp thời, được nhân dân tin tưởng, các nước, các tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội…

Nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm rất khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và một số đại biểu đề nghị, cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Chính phủ cần tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các gói kích cầu để phát triển kinh tế. Theo đó, cần có những giải pháp cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ các ngân hàng giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp vào hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Nhiều đại biểu đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu của thị trường quốc tế sẽ sụt giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ, Trung Quốc, do đó phải quan tâm kích cầu nội địa, thúc đẩy thị trường trong nước, tăng sức mua của người dân thông qua việc triển khai các chương trình như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mãi…

Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các đại biểu Vũ Hồng Thanh, Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, để thu hút làn sóng đầu tư từ các nước sang Việt Nam khi chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế và phòng chống dịch Covid-19 tốt, chúng ta phải có giải pháp cải thiện những chỉ số về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, cải cách hành chính và thể chế để cải thiện môi trường đầu tư….

Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thực sự hữu hiệu để giải quyết triệt để những bất cập, hạn chế đã tồn tại nhiều năm như cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ nét, số DN giải thể lớn, cổ phần hóa DNNN chậm… nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như tiến độ hoàn thành công trình.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm là một thách thức lớn. Một loạt các công trình trọng điểm tỷ lệ giải ngân rât thấp. Đây là “căn bệnh” đã kéo dài nhiều năm, đã nói nhiều đến nguyên nhân từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến khâu quyết toán… song tình trạng giải ngân chậm vẫn diễn ra.

“Nếu không có giải pháp kiên quyết và thích ứng thì câu chuyện này khó được giải quyết. Tôi đề nghị một lần nữa Chính phủ cần phân tích kỹ hơn, “mổ xẻ” nguyên nhân của các tồn tại trên, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu… để khắc phục tình trạng này”- đại biểu Minh nói.

Cân nhắc việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Đề cập đến việc điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, một số ý kiến cho rằng, cần phấn đấu để đạt mức cao nhất; đồng thời, Chính phủ cần điều chỉnh trong điều hành thu, chi NSNN, trong bối cảnh NSNN dự báo sẽ hụt thu thì cũng phải giảm chi tương ứng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, Chính phủ đặt ra hai kịch bản phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Ứng với kịch bản phát triển kinh tế thì phải có kịch bản về điều hành thu, chi ngân sách. Nếu không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu phát triển thì căn cứ nào để điều hành ngân sách, nhất là căn cứ để điều hành chi. Nếu cứ chi theo dự toán kịch bản cũ, đến cuối năm không đạt kịch bản phát triển thì sẽ ảnh hưởng đến mức bội chi NSNN và nợ công. Do đó, vấn đề này cần cân nhắc thêm.
                
   

Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu tại tổ

   

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cũng cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và tốc độ tăng trưởng GDP liên quan đến thu, chi và bội chi NSNN. Do đó các chỉ tiêu điều chỉnh cần được dự kiến sớm để có cơ sở xác định các vấn đề liên quan như thu, chi bao nhiêu, đặc biệt là phần chi thường xuyên liên quan trực tiếp đến số thu của các địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, các chỉ tiêu Chính phủ dự kiến điều chỉnh chủ yếu là các chỉ tiêu về kinh tế, song theo đại biểu một số chỉ tiêu về xã hội cũng có khả năng không thực hiện được như chỉ tiêu về thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp rất cao, giải quyết việc làm cũng khó đạt. Đồng thời, các chỉ tiêu về giảm nghèo, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khó đạt chỉ tiêu đề ra. Đại biểu đề nghị cần xem xét cụ thể và điều chỉnh một cách toàn diện chỉ tiêu kinh tế và xã hội.

Bài và ảnh: Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tăng cường các giải pháp kích cầu phát triển kinh tế