Tận dụng cơ hội, tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới

(BKTO) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 29/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.



                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Theo đó, quan điểm xây dựng Kế hoạch là tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội (các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế xanh, kinh tế số...) và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.

Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng tiến tới dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Kế hoạch mới xác định, lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Với quan điểm trên, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh.
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Giữ vững ổn định và củng cố nền tảng vĩ mô, đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; phát triển kinh tế đô thị; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành; nâng cao nội lực của nền kinh tế và của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, Kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Để triển khai thực hiện, Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, NSNN, đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; Phát triển lực lượng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Về nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới...

Ngay sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tận dụng cơ hội, tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới