Siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài

(BKTO) - Thảo luận về công tác quản lý và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của khối DN này để chống thất thu NSNN; đảm bảo công bằng giữa DN FDI và DN trong nước...



Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Việt Nam hiện nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI, đóng góp lớn vào nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào khối lượng lớn nhưng thực chất chất lượng lại khiêm tốn, ít chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước.

“Chỉ có 5% DN FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, còn chủ yếu là gia công ở vị trí cuối của chuỗi giá trị. Đóng góp FDI vào ngân sách không tương xứng với mức độ ưu đãi cao mà họ được nhận, gây ra mất bình đẳng với DN tư nhân trong nước. Sự lan tỏa của khối FDI thấp, chỉ đạt 21%” – đại biểu Nguyễn Như So nêu thực tế.
                
   

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So thảo luận tại hội trường - Ảnh: quochoi.vn

   
Do đó, để thu hút và sử dụng FDI hiệu quả, tránh tổn thương đến nền kinh tế, đại biểu đề xuất cần tập trung vào 3 giải pháp then chốt.

Trước hết, cần cải tổ lại chiến lược thu hút nguồn vốn FDI chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung thu hút các dự án chất lượng cao, các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực nội địa hóa cao, mang lại hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn làm được chúng ta phải nhận diện đúng cái mà các tập đoàn đa quốc gia họ cần. Đó là một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và DN trong nước; sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Ưu đãi đầu tư chỉ là yếu tố bổ sung, không phải là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của DN mà chính là sự ổn định về kinh tế, chính trị, chi phí lao động, thuế, khuôn khổ pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của quốc gia. “Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải xem, cân nhắc từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế, giảm sự cạnh tranh giữa các địa phương trong sử dụng ưu đãi thuế và biện pháp khuyến khích khác để thu hút FDI”- đại biểu nói.

Giải pháp tiếp theo là cần siết chặt quản lý hiệu quả hoạt động của DN FDI, tránh tình trạng thất thu ngân sách. Theo đại biểu, dù được miễn giảm 92% tổng số thuế thu nhập DN nhưng FDI lại đóng góp vào ngân sách khá thấp, chỉ chiếm 20,78% GDP và 13,9% tổng thu ngân sách. Câu hỏi đặt ra là có hay không tình trạng DN lỗ giả, lãi thật, chuyển giá, trốn thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến môi trường đầu tư.

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng của khối DN FDI tăng 14,6%, xấp xỉ bằng khu vực kinh tế trong nước 17,5% chiếm 70,6% giá trị cán cân thương mại nhưng chủ yếu là sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu nên thuế thu từ FDI không đáng kể so với các DN trong nước - đại biểu chỉ ra nghịch lý.

Bên cạnh đó, lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm 98,1% là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn. Tuy nhiên, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực nhưng còn lúng túng trong việc triển khai, do tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển để tạo đối trọng đủ mạnh, hợp tác bình đẳng. Việc này có ý nghĩa chính trị, chiến lược quan trọng, tránh tình trạng một nền kinh tế có hai tốc độ. Cần xem lại việc thực thi các Nghị quyết của Chính phủ và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Nếu chỉ sửa vài câu chữ thì tính đơn giản hóa không đáng kể; sửa đổi theo hạ thấp điều kiện thì cơ bản không làm thay đổi môi trường kinh doanh.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ chí Minh) cho rằng, việc thu hút vốn FDI khá tốt, chiếm tỷ lệ tăng dần trong cơ cấu vốn đầu tư. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI không chỉ để tăng vốn, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến chuyển giao công nghệ, tiếp thu kỹ năng quản lý từ DN FDI. Đại biều Tuấn đề nghị Chính phủ cần đánh giá độ lan tỏa của công nghệ, quan tâm thu hút FDI cần có chọn lọc và chuyển giao công nghệ để đảm bảo năng lực, tạo sự liên kết giữa các DN trong nước với DN FDI.

Trước đó, tại Hội thảo quốc tế “Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” do KTNN và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào NSNN còn thấp, kèm theo đó là các DN FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế. Với việc báo cáo lỗ như vậy, đa phần các DN này không phải đóng thuế; bên cạnh đó, lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho DN FDI để đề nghị hoàn thuế… Đặc biệt, mặc dù thua lỗ triền miên song các DN FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh chính là biểu hiện của hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài