Quyết tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Ngay sau 1 ngày Nghị định số 131/2018/NĐ-CP (Nghị định 131) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có hiệu lực, Ủy ban này đã chính thức được ra mắt tại Hà Nội (ngày 30/9) với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.




Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 DN về Ủy ban - Ảnh: VGP

Tiếp nhận trọng tráchtại 19 DNNN

Như vậy, sau gần 8 tháng thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã chính danh tiếp nhận nhiệm vụ quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 DNNN (7 tập đoàn, 12 tổng công ty nhà nước) với số vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban với 5 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính ngay tại Lễ ra mắt.

Theo Nghị định 131, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (tên giao dịch quốc tế: Commission for the Management of State Capital at Enterprises; viết tắt: CMSC) là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Để phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ chính của Ủy ban CMSC, Nghị định 131 nêu rõ, Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào DN được giao quản lý. Ủy ban không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý DN; công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Về cơ cấu, Ủy ban có Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật…
         
                              
19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC quản lý gồm
   
                                    
      
Bộ Tài chính:
      
- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước
      Bộ Công Thương:
      - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
      - Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
      - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
      - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
      - Tập đoàn Công nghiệp Cao su
      Việt Nam;
      - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
      - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;
      Bộ Thông tin và Truyền thông:
      - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
      Việt Nam;
      
      
      
-Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
      Bộ Giao thông Vận tải:
      - Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
      - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
      - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
      - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
      - Tổng công ty Cảng Hàng không
      Việt Nam;
      Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
      - Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
      - Tổng công ty Lương thực miền Nam;
      - Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
      - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
      
   
   

Tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Trước đó, ngày 12/02/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng - làm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Đến thời điểm này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy ban đã triển khai xây dựng Phần mềm Bộ Chỉ số Giám sát, đánh giá hiệu quả DN, bao gồm các chỉ số để phân tích, đánh giá “sức khỏe” của DN, như: các chỉ số về tài chính, kinh doanh, đầu tư, lao động, nhân sự, tiền lương, quản trị theo chuẩn mực OECD... Đặc biệt, Bộ Chỉ số Giám sát có hệ thống cảnh báo các rủi ro về tài chính, quản trị, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, Phần mềm sẽ tự động cảnh báo để Ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Ủy ban sẽ ứng dụng Bộ Chỉ số này thực hiện kết nối trực tiếp với các DN được giao quản lý để cập nhật tình hình hoạt động của DN thường xuyên, liên tục.

Kỳ vọng nâng cao toàn diện hiệu quả của DNNN

Tại Lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước từ lâu đã đặt yêu cầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Việc ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của DN.

Nhấn mạnh vai trò của Ủy ban trong quản lý các DN trọng yếu, then chốt của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta có hai con đường: Một là, xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Hai là, tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống DN cũng như của cả đất nước”. Trước câu hỏi giữa hai con đường đó thì chọn con đường nào, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất.

Để thành công trên con đường đã chọn, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN tập trung vào 6 nhiệm vụ. Trong đó, cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất tốt. Đặc biệt, cần xây dựng Bộ Chỉ số Giám sát, đánh giá hiệu quả DN để giám sát minh bạch, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các công cụ để thúc đẩy DNNN phát triển đi đôi với việc tăng cường quản lý, trong đó phải nâng cao trách nhiệm giải trình trong bảo toàn vốn và phát triển DNNN…

Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; kịp thời báo cáo Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc. Sau 1 năm hoạt động, Ủy ban phải đánh giá xem đã làm được những gì để góp phần cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, nộp NSNN, cũng như góp phần xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công bằng đối với các thành phần kinh tế.
         
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các Bộ có DN được chuyển giao cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để chuyển giao ngay, không để chậm trễ, phức tạp, sai sót xảy ra, không để khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn nhà nước, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DN, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018
Cùng chuyên mục
Quyết tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước