Quy định trần lãi suất huy động để ổn định thị trường tiền tệ

(BKTO) - Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc (Bà Rịa- Vũng Tàu) về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì biện pháp hành chính quy định trần lãi suất huy động khiến dư luận cho rằng biện pháp này không còn hiệu quả và phi thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng: Việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp các biện pháp hành chính là cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của thị trường tiền tệ.



                
   

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

   
Các giao dịch theo phương thức thanh toán mới tăng mạnh

Liên quan đến tình hình triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở Đề án của Chính phủ, NHNN đã ban hành 10 thông tư để chỉ đạo tăng cường ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt, gần đây NHNN đã ban hành bộ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa cho thẻ ATM, ban hành tiêu chuẩn về cơ sở đặc tả kỹ thuật của QRCode trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN cũng chú trọng đầu tư và nâng cao cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 8/2018 số lượng máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) đã tăng khoảng 23,6% so với cuối năm 2016.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được quản lý và vận hành thông suốt, ổn định và an toàn. Số lượng và giá trị giao dịch trong 8 tháng năm 2018 tăng tương ứng 28,3% và 30,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Các giao dịch thực hiện theo phương thức thanh toán mới tăng mạnh. Trong 8 tháng năm 2018 thanh toán qua internet tăng khoảng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 40% về số lượng và 147% về giá trị; giao dịch trên POS cũng tăng rất mạnh.

Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Vừa qua NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công. Tính đến cuối tháng 8/2018 hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với 63 kho bạc cấp tỉnh, thành phố và với hệ thống nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, NHNN cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các dịch vu tài chính.

Duy trì trần lãi suất để ổn định thị trường tiền tệ

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề lãi suất và việc áp dụng trần lãi suất như một biện pháp hành chính, Thống đốc NHNN cho biết: Từ năm 2011, khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi và ảnh hưởng khá mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng nên NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam cho các kỳ hạn. Trên cơ sở tình hình đã phục hồi từng bước, hoạt động thị trường đã thông suốt hơn, vừa qua, NHNN đã dỡ bỏ các quy định này và hiện chỉ còn áp dụng trần lãi suất với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.

Theo Thống đốc, cấu trúc thị trường tài chính và cơ chế thị trường của nước ta chưa hoàn thiện nên trong bối cảnh thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực. Vì vậy, việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp các biện pháp hành chính là cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của thị trường tiền tệ.

Mặt khác, hiện nay số lượng tổ chức tín dụng tương đối lớn, chất lượng chưa đồng đều, vì vậy trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì ở mức hợp lý và bám sát cung cầu thị trường có tác dụng giữ ổn định thị trường tiền tệ và neo được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.

Cùng với đó, hiện nay chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nên việc duy trì trần lãi suất cũng là để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Với tình hình thực hiện và kết quả hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng thì việc áp dụng trần lãi suất là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn, NHNN sẽ tiếp tục xem xét, gỡ bỏ các biện pháp không cần thiết”- Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Trả lời băn khoăn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) về việc thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu, Thống đốc NHNN cho rằng: NHNN đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án, định hướng để xử lý các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, tiến trình thực hiện còn chậm vì NHNN đang tiến hành định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này.

Liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian vừa qua đã triển khai rất quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. “Sau hơn 1 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt. Các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu khoảng 140 nghìn tỷ, riêng Công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ số nợ xấu đã mua.

Số nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu cuối năm 2016 là 10,08% đến cuối năm 2017 tổng thể các khoản nợ xấu là 7,7% và đến tháng 6/2018 đã giảm còn khoảng 6,7% và nợ xấu nội bảng là 2,09%”- Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai Nghị quyết 42 còn một số khó khăn, hạn chế liên quan đến các Bộ, ngành và địa phương. NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục phối hợp với các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các đại phương, tòa án nhân dân các cấp, xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Sẽ xử lý và công khai các hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đó là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khi trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) sáng 1/11 về công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
  • Cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019. Dự thảo Báo cáo Dự toán NSNN năm 2019 cũng đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức 29/10, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN.
  • Sửa cơ chế, chính sách để khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều nay (31/10), trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán về nội dung, đối tượng, thẩm quyền. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cần sửa Luật Thanh tra và các thông tư quy định về hoạt động thanh tra.
  • Chống thất thoát trong cổ phần hóa doanh nghiệp và quản lý hóa đơn
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đầu giờ chiều nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp chống thất thoát tài sản Nhà nước trong cổ phần hóa DNNN; công tác quản lý hóa đơn trong mua bán hàng hóa, dịch vụ.
  • Nhiều vấn đề tài chính, tiền tệ làm “nóng” nghị  trường Quốc hội
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kết thúc ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đã có 36 đại biểu chất vấn, 23 đại biểu tranh luận, 15 Bộ trưởng cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia trả lời chất vấn. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, với nhiều vấn đề “nóng” được đặt ra cho các tư lệnh ngành.
Quy định trần lãi suất huy động để ổn định thị trường tiền tệ