Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 17/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% đại biểu tán thành.



                
   

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết - Ảnh: quochoi.vn

   

Luật gồm 16 Chương, 171 Điều, quy định về: Nguyên tắc bảo vệ môi trường; chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường; bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường…

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, Luật quy định, căn cứ tiêu chí về môi trường, dự án đầu tư được phân thành các nhóm I, II, III và IV. Luật cũng định danh cụ thể tiêu chí của từng nhóm để làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III.

Về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Luật quy định chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Quy định này cũng không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, ngoài thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với các dự án đầu tư thuộc bí mật quốc phòng, an ninh), Luật quy định, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng). Để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, Luật quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Liên quan đến kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường, Điều 160 của Luật quy định trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã; quy định thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường; công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường...

Đối với hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực môi trường, Luật quy định, KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật KTNN và pháp luật có liên quan.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022. Riêng khoản 3, Điều 29 về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 để thực hiện đồng bộ với Luật Đầu tư công.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)