Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không nới lỏng lạm phát, kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia

(BKTO) - Khép lại phiên thảo luận chiều ngày 27/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ khái quát tình hình chung và trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm qua các phiên thảo luận. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ nhất quán mục tiêu coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu; đồng thời kiếm soát chặt chẽ nợ nước ngoài.



                
   

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội - Ảnh:quochoi.vn

   

Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Mở đầu phần phát biểu của mình với đánh giá về chất lượng tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là cần phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030; tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Để thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động quyết liệt. Qua báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của các Ủy ban và nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu đã ghi nhận 3 năm qua chúng ta đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt về chất lượng tăng trưởng, quan trọng hơn là đã đi đúng hướng. Tăng trưởng toàn diện ở cả 3 khu vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà rất chú trọng đến thị trường trong nước; năng suất lao động của nước ta gia tăng và là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực với mức bình quân 3 năm là 5,62%, vượt xa mức 4,3% của 5 năm trước và vượt mục tiêu đặt ra cho cả nhiệm kỳ.

Đóng góp của các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng ngày càng tăng lên với mức bình quân là 42,1% so với 5 năm trước là 33,5% và với mục tiêu là 30-35%; hệ số ICOR tốt hơn; sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên và có thứ hạng cao trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng tăng trưởng có tiến bộ nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và còn những yếu tố thiếu bền vững. Chất lượng về thể chế, kết cấu hạ tầng, xã hội nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; các chỉ số về đổi mới khoa học công nghệ, quản trị còn thấp. Đặc biệt, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm và không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phát triển cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; tăng cường đổi mới, sáng tạo; tiếp tục phấn đấu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước, để kinh tế tư nhân ngày càng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; thu hút chọn lọc hơn nguồn vốn FDI theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối với các DN trong nước.

“Những định hướng của Chính phủ và với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong nhiệm kỳ này”- Phó Thủ tướng kỳ vọng.


Coi trọng củng cố kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát

Đề cập đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với đặc điểm nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, trong khi kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là về bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, căng thẳng địa chính trị làm cho giá cả thế giới diễn biến bất thường, nhất là giá dầu thô. Bên cạnh đó, chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, giá đô la tăng trong khi nhiều nước giảm giá đồng tiền, lãi suất thế giới tăng cao gây áp lực rất lớn đến điều hành của chúng ta.

Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như năng lượng, điện, lương thực, đảm bảo bền vững về nợ công; cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai; tăng cường dự trữ ngoại hối với mức dự trữ kỷ lục hơn 60 tỷ đô la; kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4% trong 3 năm liên tiếp; giữ được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Chúng ta cũng điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường và thận trọng hơn; kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách về ngoại thương.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ coi trọng vấn đề kinh tế vĩ mô; tập trung củng cố hơn nữa kinh tế vĩ mô, tăng chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như hệ thống kinh tế trước biến động của thị trường thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, trước sức ép lạm phát còn lớn, nhất là biến động về tỷ giá, lãi suất trên thế giới và căng thẳng thương mại của các nước lớn, chúng ta phải tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực còn hạn chế. Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền.

“Chính phủ và Thủ tướng chưa bao giờ và không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; đồng thời Chính phủ cũng không có động thái nào nới lỏng kiểm soát lạm phát như đại biểu Quốc hội băn khoăn”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Trong điều kiện thế giới có những biến động về giá cả chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh một số dịch vụ công như giáo dục và đào tạo thì việc đặt ra chỉ tiêu khoảng 4% là cần thiết. Chính phủ và Thủ tướng sẽ điều hành chặt chẽ và sẽ kiểm soát lạm phát dưới mức 4%, giữ vững mặt bằng lãi suất và cố gắng tiếp tục giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên - Phó Thủ tướng lý giải và cho biết Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tính toán ổn định vĩ mô và duy trì động lực tăng trưởng cho tới năm 2020 trước khi xây dựng chiến lược cho 10 năm và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho 5 năm (2021- 2025).

Về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiều chỉ tiêu chúng ta đã đi trước kế hoạch 5 năm. Hiện nay thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trên 110% GDP, trong đó cổ phiếu là 84%, vượt xa mức 70% đến năm 2020, giúp giảm nhẹ gánh nặng về cung ứng vốn trung và dài hạn hệ thống ngân hàng. Nợ xấu toàn hệ thống đã giảm mạnh từ 10,08% vào năm 2016 đến nay giảm còn 6,7% và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay. Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 50 đề án cụ thể, Thủ tướng đã ban hành đề án để thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng…

Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về nợ nước ngoài quốc gia tăng sát trần, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nợ quốc gia gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối DN. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm được từ mức 60% xuống mức 40% trong cơ cấu nợ và gối nợ nước ngoài trong một số giao dịch vừa qua có tăng lên. Tuy nhiên “Thủ tướng đã có hạn mức chặt chẽ cho mức nợ nước ngoài của quốc gia. Chúng tôi hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt, nhất là trong điều kiện tỷ giá thế giới tăng mà nợ nước ngoài tăng thì nghĩa vụ trả nợ quốc gia sẽ rất lớn”- Phó Thủ tướng khẳng định.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không nới lỏng lạm phát, kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia