Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 20/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).



Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp - Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; đồng thời, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu - Ảnh: Quang Khánh

Theo đó, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm 3 vấn đề.Một là,tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.Hai là, dự án Luật chưa bảo đảm sự thống nhất giữa Tờ trình, mục đích, mục tiêu, sự cần thiết sửa đổi Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách với các nội dung của dự án Luật; một số nội dung lý giải chưa thể hiện bản chất của việc sửa đổi căn cơ, toàn diện và chưa bám sát các mục tiêu chính sách.Ba là, dự thảo Luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động mà thiên về việc “bảo vệ” đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến. Tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) - Ảnh: Quang Khánh

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Cơ bản cho rằng những quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần cân nhắc giao Chính phủ quy định về các trường hợp, công việc và khu vực mà người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài. Bởi lẽ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Như vậy, công dân có thể lựa chọn làm việc ở trong nước hay ngoài nước hay ngành nghề mà thấy phù hợp. Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Theo daibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)