Phát triển miền núi, vùng dân tộc thiểu số: Cần thu hút sự tham gia của cộng đồng

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, khóa XIV, chiều 12/6, Quốc hội thảo luận về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.



                
   

   

Theo đề xuất từ Tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 với tổng vốn gần 272 nghìn tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu cụ thể đặt ra la đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020.

Chương trình cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã…

Định hướng mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát...

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng nguồn lực đáp ứng có hạn nên nếu đầu tư phân tán sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn, thực sự mang lại hiệu quả cao nhất.

Thảo luận tại hội trường chiều 12/6, đa số các đại biểu đều thống nhất về mục tiêu, ý nghĩa và sự cần thiết của Chương trình, song còn một số vấn đề cần làm rõ. Trong đó, tập trung thảo luận nhiều nhất là vấn đề nguồn lực để thực hiện Chương trình.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 114.970 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương tối thiểu là 104.954 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng.

Theo đại biểu này, việc bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện chương trình đã khó, việc địa phương đối ứng kinh phí để đảm bảo thực hiện chương trình càng khó hơn bởi đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp ngân sách trung ương.

Để tránh tình trạng không thực hiện được, hoặc thực hiện dàn trải lãng phí, đại biểu đề xuất cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn hoặc theo từng năm, xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính cấp thiết, đột phá, có tính dẫn dắt để làm trước.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) lưu ý về xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án. Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu nên tập trung vào giải quyết 5 nội dung mang tính chất nền tảng, bao gồm: giáo dục và đào tạo; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào.

Đối với các nội dung khác, ưu tiên vốn có thể thấp hơn hoặc lồng ghép với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang thực hiện.

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, dự kiến sử dụng ngân sách đầu tư là đúng, nhưng hàm chứa rất nhiều yếu tố bất khả thi. Bởi lẽ, ngân sách địa phương thì không phải tỉnh nào cũng có thể bố trí đạt yêu cầu, còn ngân sách trung ương thường có những biến động đột biến nên dễ hụt nguồn thu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, trong lúc chương trình nào, đề án nào, nhiệm vụ nào cũng quan trọng như hiện nay.

Đại biểu cho rằng, muốn giải pháp bền vững, cần có cơ chế xã hội hóa, dựa vào nguồn lực của cộng đồng để thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ thì giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn để thực hiện Chương trình chủ yếu từ đến ngân sách trung ương, một phần nhỏ từ địa phương và một phần rất nhỏ từ các nguồn vốn huy động khác. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị, cần bổ sung chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, đồng thời có sự cam kết của địa phương để đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn thực hiện.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) thì cho rằng, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp thì cần tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp thiết để đầu tư. Cùng với đó phải khẩn trương ban hành văn bản pháp luật để thực hiện.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh đến việc cần quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, những người trực tiếp làm phải có tâm, có trách nhiệm và Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi sai phạm, tránh tình trạng “bò vào nhầm chuồng”, xin thành xã nghèo, hộ nghèo...

Theo Thoibaonganhang.vn
Cùng chuyên mục
Phát triển miền núi, vùng dân tộc thiểu số: Cần thu hút sự tham gia của cộng đồng