Phát triển bảo hiểm xã hội một cách bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

(BKTO) - Chiều 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT năm 2020. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong thưc hiện chính sách BHXH, BHYT, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm phát triển chính sách một cách bền vững, bảo đảm lưới an sinh xã hội.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra

Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thực hiện BHXH, BHYT, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; kết nối và tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, triển khai giao dịch điện tử trong việc đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống chi trả; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, phân tích dữ liệu để đánh giá tình trạng lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm khác.

“Việc thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, chất lượng công việc, nhất là giảm nhân lực và thời gian tiến hành thanh tra. Với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống cần thời lượng trung bình 20 giờ, thì nay ứng dụng CNTT đã giảm xuống còn 10,5 giờ” - đại biểu Giang nêu rõ.
                
   

Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cũng cho rằng, thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện khá hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Điều này khẳng định, việc Quốc hội giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT cho ngành BHXH Việt Nam là rất đúng đắn, phát huy được sự chủ động và năng lực của ngành BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, Quốc hội cần xem xét, bổ sung thêm chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT cho BHXH Việt Nam. Theo đại biểu, qua kiểm tra và giám sát, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ trục lợi Quỹ BHXH, BHYT nhưng do không có chức năng thanh tra nên không xử lý kịp thời các vi phạm mà chỉ có thể đề xuất các ngành liên quan xử lý. Vì vậy, nếu được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT là một bước hoàn thiện công cụ quản lý để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ và không cần tăng thêm tổ chức, biên chế để thực hiện nhiệm vụ này.

Xử lý nghiêm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Đề cập đến tình trạng chậm đóng BHXH, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu thực tế, tính đến hết năm 2020, số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong tỷ lệ chậm đóng này, khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 1,5%; khu vực DNNN chiếm 6,4%, khu vực DN FDI chiếm 8% và DN ngoài quốc doanh chiếm 27,2%. “Qua nghiên cứu cũng như nắm bắt từ cơ sở, trong tổng số kinh phí chậm đóng BHXH, khu vực hành chính sự nghiệp còn cao, nên cần đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, để từ đó có giải pháp phù hợp” - đại biểu Ngọc nói
                
   

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Đại biểu Ngọc cũng kiến nghị Quốc hội cần đặc biệt xem xét khu vực hành chính sự nghiệp để có giải pháp thực hiện, bởi khu vực này kinh phí đóng BHXH được trích từ nguồn NSNN hàng năm. Đồng thời cần rà soát công khai DN chậm đóng BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. Theo đại biểu, năm 2020, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ngành BHXH đã rất cố gắng, thực hiện được 8.619 cuộc thanh tra; qua đó đã chỉ ra nhiều sai phạm, những hạn chế, tồn tại và kiến nghị truy thu. Tuy nhiên, việc khắc phục sau thanh tra, kiểm tra chưa rõ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, nên tính chất răn đe chưa cao. Do đó, Chính phủ cần có phân tích, đánh giá, ban hành chế tài xử lý nghiêm khắc để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng BHXH.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) thì đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong trường hợp chủ sử dụng lao động bỏ trốn hoặc làm ăn không hiệu quả. Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt rõ trường hợp nào là “trốn đóng”, trường hợp nào là “chậm nộp”; có chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ hoặc chậm đóng BHXH.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), một vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững, phát triển BHXH. Việc người lao động lựa chọn hưởng chế độ BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định. Bên cạnh đó, việc nhận BHXH một lần được coi là lợi trước mắt, hại lâu dài. Bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. “Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xã hội đó văn minh hay không chính là phạm vi bao phủ an sinh xã hội, mà việc giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần làm giảm diện bao phủ an sinh xã hội, đang đi ngược với xu hướng này” - đại biểu Sơn nêu quan điểm.
                
   

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Vì vậy, để phát triển BHXH một cách bền vững nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, trong khi chưa sửa Luật BHXH, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của BHXH và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động, từ khi còn trẻ bằng việc tham gia BHXH; giao chỉ tiêu cho địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo BHXH, BHYT.

Đại biểu cũng đề xuất cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần của Nghị quyết 28/NQ-TW đã đề ra; đồng thời, sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 28, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng, hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH…/.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Phát triển bảo hiểm xã hội một cách bền vững, bảo đảm an sinh xã hội