Nỗ lực đảm bảo tiến độ thu ngân sách nhà nước

(BKTO) - Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình thu ngân sách của đất nước. Thực trạng đó đang đòi hỏi cơ quan thuế, hải quan phải nỗ lực tìm giải pháp bù đắp hụt thu, đảm bảo tiến độ thu.



                
   

Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn

   

Thu ngân sách gặp khó

Báo cáo nhanh của Tổng cục Thuế về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN cho thấy, thu lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 499.832 tỷ đồng, bằng 39,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả trên cho thấy tình hình thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2020 tiếp tục gặp khó khăn.

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 5/2020, thu NSNN do ngành Thuế quản lý đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 4,6% so với dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 63,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô chỉ bằng 25,1% cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 65,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 63,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải thích về kết quả thu ngân sách giảm so với cùng kỳ, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, trong đó có hoạt động cách ly xã hội, hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Hoạt động sản xuất kinh doanh khác bị hạn chế, điều này đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong tháng 4 và tháng 5, qua đó tác động giảm kết quả thu NSNN.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, cá nhân thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng của dịch bệnh Covid-19, các DN nhỏ và siêu nhỏ đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách tháng 5 so với cùng kỳ. Ngoài ra, số thu 5 tháng giảm một phần là do việc tăng cường các biện pháp thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hạn chế bia rượu khi tham gia giao thông, dẫn đến sản lượng tiêu thụ rượu bia tại nhiều địa phương giảm mạnh.

Về phía ngành Hải quan, tính đến hết tháng 5/2020, ngành Hải quan mới thu ngân sách đạt 123.484 tỷ đồng, đạt 36,5% dự toán, giảm 17,18% so với cùng kỳ năm 2019.Tổng cục Hải quan cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu của DN bị giảm sút. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều mặt hàng có thuế suất cao cũng giảm mạnh so với cùng kỳ, tác động đến số thu ngân sách của nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố.

Trong số 35 cục hải quan tỉnh, thành phố của cả nước có 8 đơn vị có số thu cao, chiếm 83% tổng dự toán toàn ngành hiện cũng đang chịu áp lực giảm thu. Theo thống kê các đơn vị này, tổng thu giảm 16,54% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 18.673 tỷ đồng).

Có thể dẫn chứng như: Cục Hải quan TP. HCM mới thu đạt 38.020 tỷ đồng, bằng 33,06% dự toán và giảm tới 17,79% (so với cùng kỳ). Cục Hải quan Hải Phòng thu gần 21.501 tỷ đồng, giảm tới 23,74%. Cục Hải quan Bắc Ninh thu đạt gần 3.489 tỷ đồng, giảm 13,53%. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu giảm số thu tới 16,2%, chỉ đạt 6.315 tỷ đồng do giá xăng dầu của thế giới và trong nước thời gian qua chạm đáy. Số thu của Cục Hải quan Đồng Nai chỉ đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, giảm tới 22,57%.

Quyết liệt các giải pháp thu ngân sách

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, với những tác động giảm thu từ chính sách và tình hình dịch bệnh phức tạp, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý mặc dù không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, song để có được kết quả đó, cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu.

“Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế triển khai dự toán thu ngay từ ngày đầu, tháng đầu, giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra DN năm 2020 cho các cục thuế; kiểm tra, rà soát toàn bộ số DN đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế, xác định chính xác số DN tạm nghỉ kinh doanh, số DN báo ngừng hoạt động; đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% DN có kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng...” - ông Nguyễn Đức Huycho biết.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, cơ quan thuế đã quản lý chặt việc kê khai của người nộp thuế. Kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh, số lượng DN tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% DN có kinh doanh. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, khai, nộp thuế của DN. Xác định chính xác đối tượng, điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh, chống thất thu NSNN.

Ngoài quản lý chặt công tác kê khai của người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 5 tháng đầu năm cơ quan này đã thực hiện được 15.195 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra được 163.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 20.737 tỷ đồng; tăng thu NSNN hơn 8.686 tỷ đồng. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 48 DN có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt hơn 173 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 891 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Đối với ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết xác định việc hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2020 là nhiệm vụ nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng thu ngân sách.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính...

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ: quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế,... tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đồng thời,Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị hải quan tiếp tục tích cực hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc cho các DN xuất nhập khẩu trong thông quan hàng hóa, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.Trong đó, ưu tiên thực hiện thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho DN, đặc biệt là đối với các mặt hàng hoa quả tươi trong thời điểm mùa vụ; bố trí công chức chuyên trách tư vấn, giải quyết thủ tục xuất khẩu nông sản, hoa quả tươi cho DN xuất khẩu…

Ngoài ra, cùng với các giải pháp tạo thuận lợi, để chống thất thu, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, nắm chắc tình hình thu thuế, quản lý nợ thuế ở từng chi cục trực thuộc. Đồng thời, các đơn vị hải quan cũng được chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các DN từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế… để kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, tiến hành truy thu thuế cho ngân sách.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Nỗ lực đảm bảo tiến độ thu ngân sách nhà nước