Những kiến nghị nổi bật từ kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của TP.HCM

(BKTO) - Cuộc “Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của TP.HCM” do KTNN khu vực IV thực hiện đã được bình chọn là 1 trong 8 cuộc Kiểm toán chất lượng Vàng năm 2016 của KTNN. Theo chia sẻ của đại diện KTNN khu vực IV, có 3 nội dung kiến nghị nổi bật liên quan đến thu ngân sách qua cơ quan Thuế, thu tiền sử dụng đất đai và quản lý kinh phí vệ sinh môi trường đã giúp cuộc kiểm toán vinh dự đạt được danh hiệu trên.



Tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng

Đánh giá về công tác quản lý thu nội địa tại cơ quan Thuế, Đoàn kiểm toán nhận định, nhìn chung, ngành Thuế TP.HCM đã tổ chức thực hiện thu theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ đọng thuế. Năm 2015, Cục thuế TP.HCM đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trọng tâm theo chuyên đề, phối hợp thanh, kiểm tra chuyên đề về hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), chống thất thu đối với hoạt động liên kết của hơn 400 DN. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, số lượng thực hiện của Cục thuế không hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra được giao: hồ sơ thanh tra đạt 69% kế hoạch, hồ sơ kiểm tra tại DN đạt 62% kế hoạch được giao năm 2015. Một số trường hợp thanh, kiểm tra chưa phát hiện các sai phạm về kê khai ưu đãi, miễn giảm thuế của DN. Từ kết quả kiểm toán đánh giá công tác gia hạn, miễn, giảm khoản thu ngân sách của các DN trên địa bàn, Đoàn kiểm toán xác định 52 trường hợp kê khai miễn giảm không đúng quy định đối với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013, số Thuế Thu nhập DN phải điều chỉnh tăng là 1.046,9 tỷ đồng.


Các Kiểm toán viên nhà nước khu vực IV làm việc tại hiện trường.Ảnh: T.TÙNG
Qua đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với 105 DN, Đoàn kiểm toán xác định số thuế phải nộp của 68 DN tăng thêm là 1.031 tỷ đồng, đồng thời xác định giảm lỗ của 5 DN là 156,7 tỷ đồng. Các sai phạm được KTNN phát hiện chủ yếu trong kê khai thuế của các DN. Đó là do DN kê khai không đúng, đủ doanh thu tính thuế, kê khai khấu trừ Thuế GTGT đối với Thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, Thuế GTGT của các khoản chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh. Hoặc do DN kê khai chi phí, các khoản chi không được trừ khác, kê khai ưu đãi, miễn giảm thuế không đúng quy định của Luật Thuế Thu nhập DN; chưa kê khai khấu trừ tại nguồn Thuế Thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán về giá tính tiền sử dụng đất, các khoản được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp, Đoàn kiểm toán đã chọn mẫu 15 bộ hồ sơ, qua kiểm toán xác định 2 hồ sơ cần điều chỉnh tăng thu NSNN số tiền gần 376 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh giá tính tiền sử dụng đất hơn 330 tỷ đồng; giảm khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gần 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm toán còn xác định 1 hồ sơ mà thành phố cần xin ý kiến Bộ Tài chính để xử lý với số tiền gần 64 tỷ đồng.

Chi phí dịch vụ môi trường bất hợp lý

Ngày 3/8/2016, UBND TP.HCM có Quyết định số 3955/QĐ-UBND về việc ban hành đơn giá quét thu gom rác đường phố năm 2015 với đơn giá quét lòng đường 88.645 đồng/1.000m2. Đoàn KTNN cho rằng mức giá này không nhất quán với định mức xây dựng dự toán đã được HĐND TP.HCM thông qua, dẫn đến các quận, huyện và các công ty dịch vụ công ích gặp khó khăn trong việc thanh quyết toán.

Theo chủ trương của UBND TP.HCM, từ tháng 11/2014 đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 - Khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và điều chuyển khối lượng xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ bãi Phước Hiệp về bãi Đa Phước (huyện Nhà Bè) để xử lý (2.000 tấn/ngày), nhưng Quyết định phê duyệt lộ trình, cự ly bình quân thu gom, vận chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt này chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) điều chỉnh kịp thời làm cơ sở giao dự toán và thanh toán. Đồng thời, việc điều phối khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về các trạm trung chuyển chưa được điều chỉnh cho phù hợp với chủ trương này, làm kéo dài cự ly vận chuyển dẫn đến ngân sách phải thanh toán chi phí cao hơn.

Theo Đoàn KTNN, nếu xác định lại đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt theo đúng quy định thì kinh phí thanh toán năm 2015 của TP.HCM ước tính giảm từ 5%-12%. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh đơn giá ngân sách thanh toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các hợp đồng đã được UBND TP.HCM ký với các nhà đầu tư các khu xử lý chưa căn cứ vào quy mô đầu tư, công nghệ, quy trình, tỷ lệ tái chế, tỷ lệ xử lý chôn lấp thực tế…

Phát hiện những tồn tại, bất cập trong quản lý và sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường, Đoàn kiểm toán đã kiến nghị Sở Tài chính TP.HCM rà soát xác định số kinh phí chênh lệch giữa giao dự toán và quyết toán quét thu gom rác đường phố để giảm trừ dự toán theo đúng quy định.

Đồng thời, Đoàn KTNN kiến nghị Sở TN&MT kiểm tra, điều chỉnh Quyết định lộ trình, cự ly vận chuyển rác tại các quận, huyện phù hợp với thực tế; phân tuyến vận chuyển hợp lý, điều chỉnh tỷ lệ điều phối rác về các trạm trung chuyển phù hợp nhằm tiết kiệm ngân sách. KTNN còn đề nghị Sở TN&MT phải chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát quy trình công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt và chất lượng môi trường tại Khu liên hợp Đa Phước.

Đối với UBND TP.HCM, Đoàn kiểm toán kiến nghị phải điều chỉnh đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt theo phương thức thanh toán phù hợp quy định tại Công văn số 2272/BXD-VP ngày 10/11/2008 của Bộ Xây dựng…

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị”. Nhận thức rõ điều này, bằng những hành động cụ thể, KTNN đã và đang vững bước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
  • Tìm lời giải cho bài toán về tăng trưởng kinh tế
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ lo lắng khi GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1% và yêu cầu các Bộ, ngành phải có những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức, tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bài toán mà Thủ tướng đặt ra một lần nữa trở thành đề tài nóng trong các cuộc tọa đàm, họp báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra vào đầu tuần qua.
  • Tầm nhìn mới của ngành lúa gạo
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - "Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện. Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức mới đây.
  • Kiến nghị cơ chế đặc thù khởi công Dự án cao tốc Bắc - Nam
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn ngân sách lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, dư luận xã hội và một số chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam có 4 trục đường đang khai thác chạy từ Bắc vào Nam. Vì thế, ngân sách chi thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho Dự án này là chưa cần thiết
  • Quy hoạch hệ thống kho bãi phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thốngkho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào và biên giớiViệt Nam - Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu pháttriển hệ thống kho bãi đồng bộ tại các cửa khẩu, tích hợp dịch vụ logisticschuyên nghiệp và hiện đại nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩutại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Campuchia.
Những kiến nghị nổi bật từ kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của TP.HCM