Nhiều yếu tố bất lợi tác động tới thu ngân sách nhà nước

(BKTO) - Tháng 01/2020, hầu hết các khoản thu ngân sách đều tăng nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu lại giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia về tài chính lo ngại, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra và một số yếu tố khác sẽ khiến cho thu ngân sách gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.




Theo dự báo, thu NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ảnh: baocantho.com.vn

Hầu hết các khoản thu đều tăng nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN tháng 01/2020 ước đạt 166.700 tỷ đồng, bằng 11% dự toán, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, thu nội địa ước đạt 146.100 tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ khu vực DNNN đạt 11,7% dự toán -xấp xỉ cùng kỳ năm 2019, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13% dự toán, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 13,8% dự toán, thuế thu nhập cá nhân đạt 11% dự toán, thuế bảo vệ môi trường đạt 8,3% dự toán, các loại phí và lệ phí đạt 9,9% dự toán. Hầu hết các khoản thu đều tăng, riêng thu từ phí và lệ phí giảm nhẹ.

Thu từ dầu thô ước đạt 5.600 tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán, tăng 33,7%, chủ yếu do phát sinh thu từ nguồn kết dư chi phí năm 2019 của Liên doanh Vietsopetro với 2.700 tỷ đồng.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22.000 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01 ước giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (7.000 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15.000 tỷ đồng, bằng 7,2% dự toán.

Điều đáng nói là trong khi các khoản thu khác đều tăng thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Theo Bộ Tài chính, sở dĩ số thu này trong tháng 01 giảm tới 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái là do dịch bệnh nCoV bùng phát tại Trung Quốc đã khiến cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta với quốc gia này bị đình trệ. Một nguyên nhân khác là do Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi vào tháng 01 nên số ngày làm việc thực tế của tháng này chỉ là 17 ngày.

Ngân sách có khả nănghụt thu hàng chục tỷ đồng

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về tài chính - NSNN năm 2020, ngay từ đầu năm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính đã sớm ban hành kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch nCoV và một số yếu tố khác đã, đang và sẽ tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí có khả năng gây hụt thu ngân sách.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp để chống dịch nCoV đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, như: giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt qua biên giới, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics... Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực cả trong ngắn hạn và trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm.

Thống kê của ngành hải quan cho thấy, trong tháng 01, giá trị xuất khẩu tất cả nhóm hàng sang Trung Quốc đều giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,294 tỷ USD, giảm tới 36,3% so với cùng kỳ năm 2019. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, tình hình cũng không khả quan hơn khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,88 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động giao thương với Trung Quốc, Bộ Tài chính dự báo hoạt động này sẽ còn khó khăn do việc nhập khẩu qua biên giới, cửa khẩu bị hạn chế và gián đoạn. Các ngành nghề bị ảnh hưởng, thiệt hại trực tiếp trong ngắn hạn như: nông sản, thủy sản, thực phẩm… Còn ngành dệt may (nhập khẩu vải, sợi), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc) sẽ chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, dịch nCoV và các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia ở trong nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu ngân sách. Sản lượng tiêu thụ rượu, bia đã giảm trên 50%, cộng với những tác động từ dịch nCoV sẽ khiến ngân sách có nguy cơ hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, giá dầu thô đang có xu hướng giảm, giá giao dịch bình quân hiện nay chỉ còn trên 50 USD/thùng, trong khi vào tháng 01, mức giá dầu thô bình quân ước đạt 68 USD/thùng, điều này có thể sẽ làm ngân sách hụt thu thêm trên 3.000 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thuế, những kết quả đạt được trong tháng 01/2020 tương đối khả quan, tuy nhiên, đó là dư âm của kết quả sản xuất kinh doanh trong quý IV/2019. Thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dựa trên các kịch bản về tăng trưởng kinh tế trong trường hợp dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I hoặc kéo dài sang quý II/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay là thách thức rất lớn đối với nước ta. Điều này được dự báo là sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách trong thời gian tới.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Nhiều yếu tố bất lợi tác động tới thu ngân sách nhà nước