Nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2021

(BKTO)- 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và 4 giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 đã được nêu rõ trong các nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.



                
   

Toàn cảnh Họp báo

   

Sáng 04/01, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 (Nghị quyết 01) và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (Nghị quyết 02).

Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn.

Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể.

         
Giai đoạn 2016-2020, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành… Kết quả này góp phần tạo động lực để các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và những năm tới.
Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2021. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh nhóm các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước.

Bốn là, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công.

Sáu là, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ.

Bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tám là, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội.

Chín là, chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

Mười là, tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Mười một là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Đối với Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết năm nay đề ra thông điệp của Chính phủ là Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục.

         
So với giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã tăng 20 bậc về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), 10 bậc về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 12 bậc về Năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 25 bậc về Hiệu quả logistics của WB, 17 bậc về Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và 3 bậc về Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh gồm:

Đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn.

Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: gói hỗ trợ kinh tế lần 2, lộ trình mở cửa nền kinh tế, lộ trình mua vaccine, vấn đề chuyển đổi số trong thời gian tới.../.

Tin và ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2021