Nhiều giải pháp cứu nền kinh tế của các quốc gia trong đại dịch

(BKTO)- Đại dịch Covid-19 đang đẩy thế giới rơi vào nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục phải áp dụng nhiều biện pháp tài chính, gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu vãn thực trạng này.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

Kinh tế EU cần hơn 1.000 tỷ USD ứng phó với tác động của Covid-19

Trả lời với truyền thông, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho rằng khối này có thể sẽ cần đến gói cứu trợ trị giá 1.500 tỷ euro (1.630 tỷ USD) để ứng phó với tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Ông Gentiloni cho biết nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã đưa ra các đề xuất cứu trợ trị giá hơn 500 tỷ euro để cung cấp tài chính cho các lĩnh vực chăm sóc y tế và làm việc thời hạn và để giúp các công ty vừa và nhỏ vượt qua giai đoạn khủng hoảng lần này. Nhưng theo ông, khoản tài chính cần thiết để ứng phó với dịch bệnh hiện nay lên tới ít nhất 1.000 tỷ USD. Ông này cho rằng có thể huy động các nguồn quỹ thông qua ngân sách dài hạn tiếp theo của EU.

Gói hỗ trợ trị giá hơn 500 tỷ euro mà Eurogroup đề xuất bao gồm các khoản vay với tổng giá trị 240 tỷ euro từ Quỹ Bình ổn châu Âu (ESM) song không đi kèm các điều kiện cải cách kinh tế và tài chính khắc khổ như thường lệ; một quỹ bảo lãnh cho các khoản vay doanh nghiệp từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) được huy động lên tới 200 tỷ euro; chương trình lao động ngắn hạn mang tên “Sure” do EC đề xuất với trị giá 100 tỷ euro.

Ý tưởng về quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đã được nhiều quan chức hàng đầu EU đưa ra. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đề xuất quỹ này ở mức 500 tỷ euro, trong khi Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU Thierry Breton cho rằng quỹ trên cần chiếm 10% tổng GDP của EU.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng EU cần ít nhất 1.500 tỷ euro trong năm 2020 để đối phó với các tác động của ovid-19. Đây cũng là mức ước tính mà Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đưa ra hồi tuần trước.

EU đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19 khiến các nước phải áp dụng biện pháp phong tỏa, ngừng hầu hết các hoạt động đi lại, đóng cửa các hoạt động kinh doanh và cơ sở giáo dục. Hồi đầu tháng, Viện nghiên cứu Ifo của Đức và Viện Kinh tế Thụy Sĩ (KOF) đưa ra đánh giá nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ rơi vào "suy thoái sâu" trong nửa đầu năm nay. Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiến hành hội nghị trực tuyến vào ngày 23/4 để phác thảo kế hoạch thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trung Quốc giảm lãi suất cho vay chủ chốt lần thứ hai kể từ đầu năm

Trung Quốc ngày 20/4 đã giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm từ 4,05% xuống còn 3,85% và lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm từ 4,75% xuống còn 4,65%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm 2020 đến nay của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thực hiện động thái trên nhằm giảm chi phí đi vay cho các DN và hỗ trợ nền kinh tế trong nước - đã sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua (ít nhất là từ năm 1992) do các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo nhà kinh tế thị trường Xing Zhaopeng của chi nhánh ANZ tại Thượng Hải, động thái trên cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát giá nhà đất trong nước và có vẻ không nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước thậm chí là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và nước này phải áp dụng lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà máy và cửa hàng, khiến hàng triệu lao động mất việc làm. Theo các nhà phân tích, trong khi Trung Quốc đang tái khởi động các động lực của nền kinh tế nước này, các hoạt động kinh tế ở nước này có thể sẽ mất vài tháng để có thể khôi phục trở lại mức trước khi cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 xảy ra, chưa kể tác động tiềm ẩn của nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Theo nhà kinh tế cao cấp Jacqueline Rong của chi nhánh BNP Paribas tại Bắc Kinh, việc Trung Quốc giảm lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm là “một sự nới lỏng nghịch chu kỳ” ở thị trường nhà đất Trung Quốc. Chuyên gia này cũng cho rằng lĩnh vực bất động sản lâu nay là động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và khi nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với sức ép suy giảm lớn như hiện nay thì cho dù dịch COVID-19 không xảy ra thì Trung Quốc có thể vẫn phải giảm lãi suất cho vay đối với thị trường nhà đất.

Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc không thể thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế "mạnh tay" hơn trong thời điểm hiện nay do các nhà hoạch định chính sách quan ngại về nguy cơ nợ tăng nhanh cùng với những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước.

Nhật Bản dự định phát hành đợt trái phiếu bổ sung gần 240 tỷ USD

Chính phủ Nhật Bản đang dự định phát hành đợt trái phiếu bổ sung trị giá hơn 25.691 tỷ yen (tương đương 238,24 tỷ USD) để cung cấp nguồn tài chính bổ sung cho việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Con số trên cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 16.800 tỷ yen, sau khi Nhật Bản mở rộng chương trình cung cấp tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, Nhật Bản sẽ điều chỉnh gói kích thích kinh tế từ 108.200 tỷ yen (1.003 tỷ USD) lên 117.100 tỷ yen (1.086 tỷ USD), với sự mở rộng chương trình cung cấp tiền mặt cho hộ gia đình nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi của dịch Covid-19. Chi tiêu ngân sách của Nhật Bản sẽ ở mức 48.400 tỷ yen, trong đó có khoảng 25.600 tỷ yen đến từ ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4/2020). Theo dự kiến, Nội các Nhật Bản sẽ xem xét thông qua kế hoạch chi tiêu bổ sung trên trong ngày 20/4.

Kinh tế Nhật Bản hiện đang đứng trước nguy cơ suy thoái ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát khi giảm 1,8% trong quý IV/2019. Kể từ đó, ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm mạnh trong khi lĩnh vực thương mại nước này rơi vào tình trạng đình trệ và dịch Covid-19 khiến Tokyo phải hoãn tổ chức Thế vận hội 2020, sự kiện được kỳ vọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng.

Mỹ cho phép các nhà nhập khẩu chậm nộp thuế 3 tháng

Ngày 19/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cho phép các nhà nhập khẩu chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chậm nộp thuế 3 tháng. Biện pháp này cũng nhằm giúp đỡ các DN bị ảnh hưởng của đại dịch vốn đang khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp và có thể sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng.

Trong thông báo mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cho phép các nhà nhập khẩu chậm nộp thuế để “bảo vệ việc làm cho người lao động và các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn." Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng với những nhà nhập khẩu hàng hóa như tấm năng lượng Mặt Trời, thép, nhôm và nhiều hàng hóa Trung Quốc đang vướng các tranh chấp thương mại.

Cũng trong ngày 19/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo thỏa thuận giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về một gói cứu trợ khác nhằm hỗ trợ các DN nhỏ chịu tác động của đại dịch sẽ được đưa ra ngày 20/4. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump khẳng định các nhà lập pháp đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tiến gần tới thỏa thuận nhằm hỗ trợ các DN nhỏ giảm thiểu thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.

Trước đó, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Hạ viện Chuck Schumer bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa vào tối cùng ngày, tuy nhiên cũng cảnh báo vẫn còn một số vấn đề hai bên cần giải quyết. Việc hai bên đạt thỏa thuận sẽ mở đường giải quyết yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump về bổ sung 250 tỷ USD vào chương trình hỗ trợ DN nhỏ tại quốc gia này ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Hiện Mỹ đang đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì Covid-19. Tính đến sáng 20/4, quốc gia này ghi nhận hơn 764.000 ca nhiễm và hơn 40.500 người tử vong.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Nhiều giải pháp cứu nền kinh tế của các quốc gia trong đại dịch