Nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa gửi báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(BKTO) - Kết luận phiên họp cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 sáng nay, 22.4, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nêu rõ năm ngoái Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình, năm nay vẫn tiếp diễn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ liệt kê đầy đủ danh sách bộ, ngành, địa phương này và báo thẩm tra cũng phải liệt kê đầy đủ, đề nghị Quốc hội phê bình.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019

Có những chuyển biến tích cực

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019; chậm báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, về cơ bản, báo cáo của Chính phủ cáo của Chính phủ đã khái quát tổng thể được kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Tuy nhiên, một số nhận định, đánh giá chưa có số liệu minh chứng cụ thể, còn chung chung; chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa đánh giá, so sánh một số chỉ tiêu so với mục tiêu đặt ra năm 2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng; một số văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng về đất đai, tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh chưa hài lòng của người dân, doanh nghiệp….

Hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào?

Nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2018 đã có tình trạng chậm báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phải chăng do Chính phủ chưa xử lý nghiêm, cho nên năm 2019, tính đến thời điểm tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn 4/15 bộ, cơ quan trung ương; 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Các ý kiến đề nghị, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức hải phát biểu

Một số vấn đề còn bức xúc trong dư luận xã hội cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thẳng thắn chỉ ra, như: việc thực hiện Nghị quyết 347 của Quốc hội yêu cầu trong năm 2018 hoàn thành thu phí tự động không dừng, đến nay đã giữa năm 2020, các trạm thu phí không dừng triển khai rất chậm. Chúng ta không biết thu như thế nào để tính thời gian hoàn vốn, thời gian thu phí dịch vụ? Hay, tiến độ giải phóng mặt phóng mặt bằng của sân bay Long Thành, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu quan điểm, Báo cáo của Chính phủ không nên đi sâu vào thành quả, mà cần làm rõ chúng ta đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền ngân sách nhà nước và tác động, hiệu quả của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào? Đối với các địa phương, bộ, ngành, chúng ta đã tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm cho ngân sách nhà nước (ngoài 10% là bắt buộc thì có tiết kiệm được hơn 10% không)? So sánh với các năm, thì tỷ lệ tiết kiệm đạt được ra sao?

Đặc biệt, trong 8 lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thanh tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đặt vấn đề, lĩnh vực nào đang có tác động tốt nhất trong quản lý ngân sách, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy… Từ nhận định này, năm 2020 sẽ có định hướng phù hợp, lĩnh vực nào cần phát huy, lĩnh vực nào cần khắc phục.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019 đạt được những kết quả tích cực hơn so với năm 2018, nhưng cần phân tích sâu hơn và thấy được tồn tại, hạn chế trong điều hành của một số ngành chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa có báo cáo tiết kiệm, chống lãng phí". Nêu rõ "năm ngoái Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình, năm nay vẫn tiếp diễn", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ liệt kê đầy đủ danh sách các bộ, ngành, địa phương này và báo cáo thẩm tra cũng phải liệt kê đầy đủ, đề nghị Quốc hội phê bình.

Theo Daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 23/4
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Hai huyện Mê Linh và Thường Tín nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội, còn lại các quận, huyện khác từ 0h ngày 23/4 sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ có thể tập trung đông người như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử...
  • Thủ tướng: Chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.
  • Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật còn một số quy định mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất.
  • Chính phủ cho phép tạm ứng hạn ngạch xuất khẩu gạo
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chính phủ đồng ý tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan. Đồng thời, cho phép xuất khẩu nếp trong tháng 4/2020 theo nhu cầu thị trường.
  • Ban Chỉ đạo đề xuất 59 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ thấp
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ. Theo đó, thành phố Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ; nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại.
Nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa gửi báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí