Ngày 21/10, khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

(BKTO)- Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 21/10 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ); Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 27/11/2019.



Chiều 18/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi Họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm 2019. Theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Trong đó, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 09 dự án luật khác.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

03 dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có).

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
                
   

Quang cảnh buổi Họp báo

   

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán NSNN năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 03 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135); xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Quốc hội sẽ dành thời gian 03 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.

Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế- xã hội, NSNN, Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; phiên giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội… sẽ được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp giúp cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Tin và ảnh: N. HỒNG

Cùng chuyên mục
Ngày 21/10, khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV