Ngành thống kê cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án Đổi mới biên soạn GRDP

(BKTO)- Sáng 6-1, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác ngành Thống kê năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.



                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TTXVN

   
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, toàn ngành đã thực hiện 30 cuộc điều tra và Tổng điều tra thống kê theo kế hoạch, trong đó có Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn, đổi mới về phương pháp và hình thức điều tra nhằm nâng cao chất lượng số liệu, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian điều tra và tiết kiệm nguồn lực so với phương pháp điều tra truyền thống bằng phiếu giấy, được điều tra viên sử dụng các thiết bị thông minh.

Kết quả Tổng điều tra được công bố sớm hơn so với kỳ Tổng điều tra trước (kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 11/7/2019, kết quả chính thức được công bố vào ngày 19/12/2019). Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau, đem lại thành công với chi phí thấp.

Việc ứng dụng thành công phiếu điều tra điện tử trong thu thập số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được cộng đồng quốc tế, thống kê các nước đánh giá cao và đề nghị Tổng cục Thống kê Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm...

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã cung cấp thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, giám sát thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra năm 2019 đã phục vụ kịp thời cho việc triển khai các văn bản chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Đảng và Nhà nước; cung cấp số liệu chính thức, cập nhật và chính xác cho các tiểu ban chuẩn bị tài liệu đại hội đảng bộ các cấp, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vai trò quan trọng của ngành thống kê đối với đất nước. Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nêu rõ, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu Tổng cục Thống kê phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế-xã hội đất nước”.

Thành tựu phát triển đất nước trong năm 2019 có sự đóng góp của ngành thống kê. Ngành thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá lại quy mô GDP, bảo đảm theo thông lệ quốc tế, có cơ sở khoa học. Đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như IMF, UNDP để tính toán, đưa ra số liệu chính xác, kịp thời. “Không vì bệnh thành tích của nhiệm kỳ này mà chúng ta tính quy mô GDP mới”, Thủ tướng khẳng định. Việc tính lại làm căn cứ để hoạch định Chiến lược 10 năm, Kế hoạch phát triển 5 năm tới.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm 2018, chỉ số chung về năng lực thống kê của Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới xếp hạng 19/145 quốc gia, vùng lãnh thổ (vượt mục tiêu của Chiến lược vào năm 2020 đạt 80 điểm; cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á).

Về định hướng năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh ngành thống kê cần làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành; cung cấp đầy đủ thông tin kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo. “Chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”.Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn của ngành, nhất là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
                
   

Thủ tướng trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: VGP.

   
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thống kê cần tiếp tụctổng hợp, công bố việc điều chỉnh quy mô GDP năm 2018, 2019, 2020 và số liệu GDP các địa phương, xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhắc lại vai trò của số liệu thống kê, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không có hệ thống số liệu chính xác thì định hình chính sách sẽ sai.

Phải đổi mới hơn nữa công tác phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới, hiện đại nhằm giảm thiểu “vùng trống thông tin”, nhất là những thông tin rất quan trọng như năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, các khu vực kinh tế chưa được quan sát, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính, đặc biệt từ các ngành như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế xã hội thông qua trục liên thông quốc tế, hệ thống thông tin quốc gia.

Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, trong đó hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN.Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đặc biệt là các đồng chí cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nền tảng nhân lực vững chắc để xây dựng ngành thống kê. Cần có một chương trình thu hút nhân tài cho ngành thống kê Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê tình hình kinh tế xã hội đến các doanh nghiệp và nhân dân.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Ngành thống kê cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án Đổi mới biên soạn GRDP