Nâng cao hiệu quả, hiệu lực sử dụng NSNN cho phát triển khoa học và công nghệ

(BKTO) - Ngày 03/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân và Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã đồng chủ trì Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ và công tác quản lý khoa học và công nghệ qua kết quả kiểm toán từ năm 2010 đến 2014”. Cuộc Hội thảo nhằm chuẩn bị cho việc triển khai thành công, hiệu quả cuộc kiểm toán “Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ năm 2014” sắp được thực hiện.




Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đồng chủ trì Hội thảo.Ảnh: NGUYỄN LỘC

Tham dự Hội thảo gồm có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo tham mưu về công tác khoa học của 9 Bộ, ngành; 31 tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện của Bộ KH&CN; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của KTNN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân kỳ vọng: Hội thảo sẽ đánh giá một cách tổng quan toàn bộ quá trình hoạt động của ngành KH&CN dưới sự kiểm soát của KTNN, làm lành mạnh, minh bạch hóa chi tiêu tài chính từ NSNN cho KH&CN.

Trình bày về mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán “Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014”, đại diện KTNN chuyên ngành III nhấn mạnh: Đây là cuộc kiểm toán Chuyên đề KH&CN quy mô lớn nhất từ trước đến nay với mục tiêu đánh giá khái quát, toàn diện tình hình, kết quả quản lý, sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho KH&CN năm 2014 trên phạm vi toàn quốc, được thực hiện tại 40 đầu mối (9 Bộ, cơ quan T.Ư; 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư), do 17 đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực thực hiện. Trong 6 mục tiêu đặt ra đối với cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ tập trung sâu hơn vào 3 mục tiêu: xác định tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu quyết toán nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014; đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách hiện hành trong quản lý và sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN; đánh giá bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của các Bộ, ngành, địa phương về phát triển KH&CN. Trên cơ sở đó, KTNN sẽ kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển KH&CN; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển KH&CN.

Dựa vào kết quả kiểm toán từ năm 2010-2014, đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết: Luật NSNN và Nghị quyết của Bộ Chính trị quy định dự toán chi NSNN cho lĩnh vực KH&CN hàng năm phải đạt tối thiểu 2% tổng chi NSNN. Tuy nhiên, số liệu quyết toán chi NSNN hàng năm giai đoạn 2009-2011 cho thấy chi sự nghiệp KH&CN hàng năm đều không đạt dự toán ở cả cấp NS Trung ương và NS địa phương (ngoại trừ năm 2010). Tỷ trọng quyết toán chi sự nghiệp KH&CN chỉ đạt từ 0,98% đến 1,27% so với tổng quyết toán chi NSNN hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức tỷ lệ phấn đấu 2% khi bố trí dự toán.

Từ thực tế đã được phản ánh qua kết quả kiểm toán, đại diện Vụ Tài chính (Bộ KH&CN) chia sẻ: Bộ KH&CN rất bị áp lực trong việc bố trí, cân đối ngân sách chi cho KH&CN. Ví dụ như năm 2014, ngân sách bố trí cho KH&CN chỉ là 1,36%; năm 2015 dự kiến được bố trí khoảng 1,52%... và những năm trước đều chưa đạt 2% tổng chi NSNN.

Về cơ cấu phân bổ, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2006-2012, chi đầu tư phát triển chiếm 33,6%, chi thường xuyên chiếm 48,2%, chi dự phòng và quốc phòng - an ninh là 18,2%. Trong 33,6% chi đầu tư phát triển có 16,8% chi đầu tư phát triển của các Bộ, ngành và 16,8% chi đầu tư phát triển của các địa phương. Trong giai đoạn 2006-2012, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã giải ngân vốn đầu tư phát triển cho KH&CN thực tế mỗi năm lần lượt được 8,51% - 26,36% - 20,51% - 36,62% - 49,32% - 58,5% - 78,5%.

Báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) nêu rõ, việc quản lý và sử dụng ngân sách chi cho đầu tư phát triển KH&CN của các địa phương chưa đảm bảo chỉ tiêu so với Trung ương giao. Nguyên nhân là do sau khi phân bổ dự toán ngân sách xong, các địa phương tự quyết định làm dự án nào, triển khai ở đâu nên đã chi sai mục đích cho cả các dự án không liên quan gì đến KH&CN.

Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ KH&CN) nêu thêm bất cập: cơ chế tài chính hiện hành quy định định mức dự toán và phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN, chế độ khoán kinh phí đối với các đề tài, dự án đã rất lạc hậu. Đơn cử như quy định về tiền lương tối thiểu chung của Nhà nước đã tăng rất nhiều so với thời điểm Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN quy định định mức xây dựng dự toán và phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN được ban hành; về chế độ khoán kinh phí đối với các đề tài, dự án, theo Thông tư liên tịch số 93/2006-TTLT-BTC-BKHCN, mới chỉ giới hạn ở một số nội dung chi thuê khoán chuyên môn, các khoản chi khác trực tiếp cho con người, còn nhiều khoản không được khoán chi như nguyên vật liệu, mua sắm tài sản, thuê thiết bị nghiên cứu… nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo đã góp phần phác họa rõ nét hơn “bức tranh” thực trạng cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động KH&CN ở cấp Trung ương và cấp địa phương, cũng như nhấn mạnh thêm những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý KH&CN trên cả nước.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đánh giá: Những bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo rất thiết thực và bổ ích, nhất là trong bối cảnh KTNN chuẩn bị tổ chức cuộc kiểm toán “Chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014”. Qua kết quả cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ chỉ rõ những điểm tích cực, những mặt còn hạn chế, bất cập và đưa ra những kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp. Từ đó sẽ tạo cơ hội tốt cho sự nghiệp KH&CN phát triển, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:


Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp của KTNN đối với ngành KH&CN. Thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề hàng năm, KTNN giúp cho Bộ KH&CN, các đơn vị KH&CN trên cả nước lành mạnh hóa việc chi tiêu ngân sách cho hoạt động KH&CN. Những kiến nghị, kết luận của KTNN đối với ngành KH&CN rất xác đáng và thực sự hữu ích. Thông qua những kiến nghị của KTNN, chúng tôi đã đánh giá, kiểm điểm những thiếu sót, chấn chỉnh những đơn vị liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong được KTNN chia sẻ nhiều hơn, phối hợp chặt chẽ hơn. Mong rằng, qua kiểm toán, KTNN kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành điều chỉnh những quy định cho phù hợp hơn với thực tế. Cần phải đổi mới cơ chế tài chính; bổ sung những nội dung chi cần thiết; bên cạnh nguồn lực từ NSNN, cần phải huy động thêm nguồn lực từ xã hội…

Hiện chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ 3 cơ chế tài chính mới đối với ngành KH&CN: cơ chế đặt hàng (để nâng cao hiệu quả nghiên cứu); cơ chế quỹ (đề tài phê duyệt là được cấp kinh phí); cơ chế khoán chi… Với các cơ chế này, các nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện một cách tối đa.
HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Đường bộ và đường sắt đã sử dụng kinh phí ra sao?
    9 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt trong 2 năm 2011-2012 và kiểm toán tổng hợp vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2012 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), KTNN đánh giá rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí cơ bản đúng quy định.
  • Thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: KTNN kiến nghị khắc phục nhiều sai phạm, bất cập
    9 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách mang ý nghĩa an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) trong thời điểm mất việc làm. Tuy nhiên, những “kẽ hở” về cơ chế, chính sách cũng như những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã dẫn đến tình trạng lạm dụng, thất thoát Quỹ BHTN. Qua thực tế kiểm toán, KTNN đã đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục những sơ hở trong chính sách này.
  • Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La - Nho Quan: Mang lại hiệu quả tích cực
    9 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình và Sơn La -Nho Quan, mở rộng 2 trạm biến áp 500kV tại Hòa Bình và Nho Quan nằm trong tổngthể quy hoạch lưới điện 500kV Quốc gia đã được phê duyệt. Sau thời gian thicông liên tục 24 tháng, dự án quy mô nhóm A này đã đi vào vận hành, mang lạihiệu quả cao.
  • Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo và nghiên cứu khoa học của KTNN
    9 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO)- Xác định côngtác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt nhằm hiệnthực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 (Chiến lược),nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược, KTNN vừa đề xuất Ủy ban Thường vụQuốc hội cho phép thành lập Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm toán và ViệnNghiên cứu khoa học kiểm toán theo đúng tiến độ của Chiến lược đã đề ra, nhằmđáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
  • KTNN trao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại tỉnh Yên Bái
    9 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày4/1, KTNN khu vực VII phối hợp với UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễbàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà La Thị Chỉnh, 56 tuổi, dân tộc Nùng (thônNgòi Lũng, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình) - là hộ nghèo, đơn thân, hoàn cảnhđặc biệt khó khăn.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực sử dụng NSNN cho phát triển khoa học và công nghệ