Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 14/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.



Chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm

Liên quan đến công tác tiếp công dân, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018 đánh giá, công tác tiếp công dân đã được quan tâm có tác động tích cực lên công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tại nhiều địa phương. Việc tiếp công dân đột xuất theo yêu cầu của công dân hoặc khi có những vụ việc đông người phức tạp xảy ra được quan tâm thực hiện, trong một số trường đã góp phần tháo gỡ, giải quyết được nhiều vụ việc nóng như ở Lạng Sơn, Hải Dương...
                
   

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo giám sát về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo - Ảnh: quochoi.vn

   
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân còn nhiều hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc tiếp công dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều tỉnh chưa quan tâm, theo dõi, đánh giá công tác tiếp công dân theo quy định của người đứng đầu, nhất là cấp xã đạt tỷ lệ rất thấp so với quy định mà không được nhắc nhở chấn chỉnh trong suốt một thời gian dài, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khiếu nại tố cáo vượt cấp gia tăng; việc công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử nhiều nơi chưa được thực hiện đầy đủ (35 tỉnh không công khai lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh).

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân. Do vậy việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với trách nhiệm được giao. Tỷ lệ cán bộ có bằng chuyên ngành luật còn thấp, như ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 14,2%, Hà Giang chiếm tỷ lệ 19%... Cá biệt có nơi còn bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân để thực hiện chính sách cán bộ (như bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ,...) nên ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp công dân (ở Bến Tre, Sơn La, Cao Bằng,...).

Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp nghiêm túc thực hiện tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân; 100% lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính phải được công bố trên Cổng thông tin điện tử để người dân, theo dõi, giám sát; tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nâng cao năng lực, tăng cường đối thoại trong tiếp công dân

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, công tác tiếp công dân là khâu quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, làm tốt công tác này là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực giải quyết các bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân ngay từ cơ sở... từ đó đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, thực tế giám sát cho thấy hoạt động lắng nghe kiến nghị, phản ánh trong tiếp công dân còn đang bất cập.

Đại biểu Phương phân tích: Hiện nay, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa được ban hành. Do đó, khi công dân thực hiện kiến nghị, phản ánh thì việc xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nào chưa rõ. Từ đó, xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ gây mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng. Chính phủ cần chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng của vấn đề này.
                
   

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại Hội trường - Ảnh:quochoi.vn

   
“Nguyên nhân bao trùm dẫn đến tình trạng này là do chưa bố trí được cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều nơi cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo của người dân thiếu tận tụy, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, thiếu thân thiện, thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Việc thường xuyên tập huấn đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức công vụ cũng chưa được chú trọng“- đại biểu Phương nêu rõ và đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại cũng như nâng cao chất lượng các lớp tập huấn chuyên đề hoặc bồi dưỡng về kỹ năng công tác này hàng năm. Lựa chọn những cán bộ giỏi, tâm huyết, có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng cần đề cao trách nhiệm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trước hết là vai trò lãnh đạo cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền. Trong đó, cần kiện toàn củng cố, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân. Bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất, đảm nhiệm công tác tiếp dân. Những vụ phức tạp các đồng chí lãnh đạo phải đích thân tiếp dân, đối thoại với công dân và trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. Các cấp chính quyền cần giải quyết khiếu nại tố cáo phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể để giải quyết kịp thời dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum), đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nhấn mạnh việc coi trọng công tác đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với công dân nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, quy định pháp luật cho người dân; đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất, tạo sự tin tưởng của người dân vào các cơ quan chức năng khi phản ánh các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Từ thực tế của tỉnh Phú Yên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân chia sẻ Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên cũng tham gia vào lịch tiếp công dân hàng tháng cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh. Đôn đốc việc giải quyết đơn thư và cũng chú trọng việc đeo bám những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hợp lý của công dân; đôn đốc các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết kịp thời. Qua đó đã góp phần giải quyết những vướng mắc của công dân.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay (14/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, với 90,31% đại biểu Quốc hội tán thành.
  • Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ngày 13/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Singapore dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 13- 15/11.
  • Cần đánh giá công bằng về đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phát biểu làm rõ thêm đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những đóng góp của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội sáng nay (13/11), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: đánh giá của Ủy ban Tư pháp đối với KTNN là chưa công bằng. Thực tế, thời gian qua, KTNN đã có những đóng góp rất lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng.
  • Tăng cường thanh tra, kiểm toán phát hiện các vụ tham nhũng dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe và thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân); Báo cáo công tác năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân); Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
  • Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Để góp phần cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 139/NQ- CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo