Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị

(BKTO) - Mặc dù công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong những năm qua không ngừng được hoàn thiện song về tổng thể chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa đồng bộ, ổn định… Vì vậy, nâng cao chất lượng quy hoạch vẫn là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.




Công tác xây dựng quy hoạch thời gian qua còn có nhiều hạn chế. Ảnh: Hoàng Ngân

Quy hoạch chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa

Năm 2019, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Kết quả giám sát chỉ rõ, chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư. Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Từ thực tiễn kiểm toán việc sử dụng đất đai tại một số đô thị lớn, KTNN cũng chỉ ra thực tế, đa số dự án chuyển đổi không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã duyệt mà ngược lại còn làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch và cập nhật vào quy hoạch, đặc biệt là ở các giai đoạn trước khi quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và các quy hoạch phân khu đô thị được duyệt.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, đa số dự án đều có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng (theo đề nghị của các chủ đầu tư và được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định) theo hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng so với quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh này càng làm gia tăng dân số của dự án, gia tăng áp lực đến hạ tầng đô thị.

Ngay tại các phiên thảo luận, chất vấn của Kỳ họp thứ 10, những bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch đô thị, tiếp tục được các đại biểu Quốc hội nêu lên và chất vấn các thành viên Chính phủ về nguyên nhân, giải pháp giải quyết vấn đề này.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ngày càng được hoàn thiện song về tổng thể, công tác xây dựng quy hoạch còn hạn chế, chất lượng một số quy hoạch đô thị còn thấp. Điều này thể hiện ở chỗ, tầm nhìn, công tác dự báo còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi, đặc biệt là các dự báo về dân số, đất đai, phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới xác định không chính xác cấu trúc, định hướng phát triển không gian, chỉ tiêu áp dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; chưa tính toán đầy đủ và thiếu các điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn lực và công tác giải phóng mặt bằng. “Việc lập quy hoạch đô thị theo các cấp độ quy hoạch và theo các loại hình quy hoạch chưa đồng bộ, còn có điểm chưa thống nhất, chưa ăn khớp, thậm chí còn mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch và thời gian lập quy hoạch thường kéo dài” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ rõ.

Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luậtvề quy hoạch

Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc đổi mới công tác lý luận, phương pháp xây dựng, quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện còn nhiều nội dung bất cập; hệ thống pháp luật về phát triển đô thị, về quy hoạch quản lý đô thị còn những điểm chưa đồng bộ, mâu thuẫn. Mặt khác, trình độ, tư duy, năng lực của một số cơ quan quản lý, một số cán bộ trong công tác thẩm định và cơ quan tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác lập quy hoạch còn thiếu; vấn đề tổng hợp, xử lý số liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất, nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch. Trong khi đó, việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia, các nhà khoa học về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp còn hình thức.

Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã và đang tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị. Theo đó, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi 37 luật liên quan tới quy hoạch. Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 đã có những quy định để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất tầng bậc của các loại quy hoạch; bãi bỏ một số quy hoạch không còn phù hợp; quy định thống nhất về nội dung, trình tự, công tác lập và điều chỉnh quy hoạch. Luật cũng bổ sung một số quy định về đấu thầu bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quy hoạch và kết hợp giữa tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để nâng cao chất lượng quy hoạch. Cùng với đó, các địa phương, DN cũng đã quan tâm đầu tư nhiều hơn về nguồn lực và nhân lực, nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Để quy hoạch thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị và kiến trúc; bổ sung, hoàn thiện lý luận, phương pháp luận về quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu của phát triển đô thị trong thời gian tới, hướng đến phát triển đô thị thông minh xanh, ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị để làm căn cứ xây dựng quy hoạch và áp dụng công nghệ thông tin trong lập quy hoạch. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác lập quy hoạch.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị