Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14

(BKTO) - Sáng nay (20/11) tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV với 95,26% đại biểu Quốc hội tán thành.



                
   

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6- Ảnh: Quochoi.vn

   
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 14/11/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ của KTNN được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2017”.

Tiếp thu, giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại phiên họp thứ 27 (tháng 9/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đề nghị điều chỉnh nhiệm vụ nêu trên của KTNN và ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị KTNN báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định. Để tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của KTNN, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này tại khoản 12 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết.

Các Đại biểu thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Theo đó, Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV nêu rõ: Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017”.

Nghị quyết cũng khẳng định, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với nhân dân, được nhân dân giám sát chặt chẽ.

Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung: Bầu Chủ tịch nước và thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và thông qua 02 nghị quyết về các nội dung nhân sự này.

Quốc hội cũng đã thông qua 09 luật; thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan và cho ý kiến đối với 06 dự án luật.

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4. Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Quốc hội đã xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, NSNN năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020. Thông qua 04 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, dự toán NSNN năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016- 2020 về kinh tế- xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cấp, các ngành, đồng thời biểu dương tinh thần nỗ lực cố gắng của cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch 5 năm 2016- 2020 trong nửa nhiệm kỳ qua.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu cao nhất trong hai năm 2019- 2020 để đạt và vượt các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016- 2020. Giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), trước mắt, chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có cơ chế giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hình thức xây dựng- chuyển giao (BT).

Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021.

Xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian hai năm kể từ ngày 01/02/2019. Giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sớm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm Luật có hiệu lực trước ngày 01/02/2021.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng nay (20/11), trước khi họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 452/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,2% tổng số đại biểu Quốc hội.
  • Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự án luật
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều nay (19/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua 5 Dự án Luật.
  • Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: APEC cần tiếp tục tạo các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong hai ngày 17- 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 được tổ chức tại Papua New Guinea.
  • Sửa đổi Luật Chứng khoán nên tránh gây sốc cho doanh nghiệp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Tại Hội thảo, TS. Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - đã đưa ra một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật lần này.
  • Tăng cường công khai, minh bạch trong đầu tư công
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều 16/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, các đại biểu còn nhiều băn khoăn về Dự án Luật này.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14