Kỳ họp thứ 18 HĐND Hà Nội: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức thiết

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề bức thiết về đời sống dân sinh như tăng cường quản lý đất đai, phòng chống dịch, phát triển kinh tế.




Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 7/12, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, liên quan đến công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2020 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết cử tri, nhân dân Thủ đô phấn khởi trước những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố trong năm 2020.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cơ bản thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 3,94%, cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước.

Cử tri, nhân dân cũng đánh giá cao sự quyết liệt và đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến rõ rệt. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Một số vụ án lớn được xét xử công minh với nhiều bản án nghiêm khắc, dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, cử tri và nhân dân Thủ đô cũng nêu ý kiến, kiến nghị một số nhóm vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh.

Cụ thể, cử tri và nhân dân đề nghị thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân; kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, giải pháp để thành phố đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, cải tạo chung cư cũ.

Cử tri cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tránh tâm lý chủ quan, dễ gây bùng phát dịch trở lại.

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục điều hành quyết liệt để thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; quan tâm công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường không khí Thủ đô.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tăng cường giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, các vụ việc tồn đọng kéo dài. Cùng với đó, tích cực giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, không để thành điểm nóng, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đáng chú ý, hiện nay, việc triển khai các Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ còn chậm. Do đó, cử tri đề nghị, Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản của thành phố về việc thực hiện Luật và các chính sách của Nhà nước.

Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về giải pháp, việc làm cụ thể để cải thiện chỉ số như “Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.

Liên quan đến công tác tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố, báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nêu rõ năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động..., thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng chủ động thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.

Cụ thể, trong thời gian chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp đã tổ chức 406 hội nghị góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; có 4.335 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị; 4.392 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2015-2020.

Ý kiến góp ý đã được các cấp ủy Đảng tiếp thu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng văn kiện phục vụ đại hội đảng bộ các cấp. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với gần 40 ý kiến góp ý trong đó có 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị.

Thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã phối hợp tổ chức 644 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân; trong đó cấp huyện tổ chức 36 hội nghị đối thoại, cấp xã 615 hội nghị.

Tại các hội nghị, nhân dân đã kiến nghị xem xét một số vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên địa bàn dân cư. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân đồng thời giải đáp kịp thời những vấn đề dân sinh gây bức xúc.

Nhìn chung các cuộc đối thoại đều đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu, mở rộng dân chủ và tập hợp, giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam,” Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã vận động ủng hộ được 44,240 tỷ đồng, trong đó đã chuyển 38 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên quần đảo Trường Sa.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế chống đói nghèo và phong trào Cả nước chung tay vì người nghèo, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo thành phố đã tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo, vận động nhân dân ủng hộ Quỹ được 28,7 tỷ đồng (số tiền đã về Quỹ là hơn 16 tỷ đồng).

Từ nguồn Quỹ vận động đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã ra lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ,” tính đến ngày 30/11/2020 đã có 198 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền và hàng hóa đạt 109,3 tỷ đồng, số tiền đã chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố là 100 tỷ đồng.

Từ nguồn Quỹ Cứu trợ thành phố đã trích 17,372 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Bên cạnh đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội còn hỗ trợ nhân dân các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; thăm hỏi gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn thành phố và tỉnh Hà Giang./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 18 HĐND Hà Nội: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức thiết