Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

(BKTO)- Ngày 3/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018.



Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ- CP và tình hình kinh tế- xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2019; tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết, các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh; kết quả kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng tháng 11 năm 2018; báo cáo thẩm tra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng; dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; phương án xử lý chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đối với xe nâng nhập khẩu; về ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;…

                
   

Quang cảnh phiên họp- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Kinh tế chuyển biến tích cực

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế- xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm so với tháng trước, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội đề ra; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất cho vay tương đối ổn định. Tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực chủ yếu của nền kinh tế diễn biến tích cực và tương đối toàn diện, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ phát triển ổn định, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao nhờ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến và quảng bá du lịch; tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 14,1 triệu lượt người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 11,5%. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung 11 tháng năm 2018 xuất siêu 6,8 tỷ USD.

Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm và thực hiện tốt; cơ bản khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm, công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm được đẩy mạnh; kịp thời ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ góp phần giảm bớt thiệt hại của nhân dân. Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng; Hiệp định CPTPP đã được chính thức thông qua, đánh dấu Việt Nam là nước thứ 7/11 nước thông qua Hiệp định này.

Bên cạnh những kết quả tích cực, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung tác động trực tiếp tới tăng trưởng xuất nhập khẩu và việc tiếp nhận dòng vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2019, đặc biệt là về bố cục của Nghị quyết; phương châm hành động, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2019; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019; về tổ chức thực hiện Nghị quyết;...
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên hợp- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Đảm bảo kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế- xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; những kết quả này tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được bởi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục, ứng phó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành trong tháng cuối cùng của năm 2018 và thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; tập trung mạnh vào khâu thực thi, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; theo dõi sát sao những biến động của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

“Điều quan trọng là chúng ta phải có ý thức dân tộc, quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước xây dựng đất nước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thách thức. Kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên ở các cấp, các ngành. Chúng ta phải đổi mới tư duy, xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ. Chúng ta hoan nghênh và khuyến khích mọi ý tưởng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ làm giàu cho mình và đất nước...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục được tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhất là vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2019.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá, có chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đối với các chương trình tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính- NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí, nhất là với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm, lễ tết; có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các cơ quan chức năng trong ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái,...

Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm. Chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để có phản ứng, đối sách kịp thời; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Tủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông; tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; thực hiện hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; các Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ…
                
   

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018. Họp báo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và đông đảo các nhà báo ở Trung ương và Hà Nội.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông báo đến báo giới tóm tắt kết quả phiên họp Chính phủ tháng 11/2018 dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà các nhà báo và dư luận quan tâm thời gian qua, như: Quan điểm cua Chính phủ về vấn đề buôn lậu quặng từ Lào Cai sang Trung Quốc mà Báo Lao động có phản ánh vừa qua; việc xác minh nguyên nhân máy bay của Vietjet gặp sự cố rơi bánh khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột; vụ việc khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà; vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo;…

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Quy định mới về xét tuyển viên chức
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng. Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
  • Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Yếu tố then chốt để phát triển kinh tế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nguồn lao động với gần 56 triệu người, tuy nhiên chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao, đây được coi là rào cản, thách thức lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay.
  • Xử lý dứt điểm bất cập tại các dự án BOT để thu hút vốn đầu tư
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thời gian qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan đã có nhiều phương án xử lý bất cập tại các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nhưng nhiều ý kiến cho rằng những giải pháp đó chỉ mang tính tình thế. Để giải quyết dứt điểm những bất cập này, cần có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, nếu không sẽ khó thu hút vốn vào các dự án BOT sắp tới.
  • Bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 20/11, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc, hoàn thành chương trình làm việc đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
  • Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV:  Điều chỉnh nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được giao theo Nghị quyết số 60/2018/QH14
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng nay (20/11) tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV với 95,26% đại biểu Quốc hội tán thành.
Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực