Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm chuyển biến tích cực

(BKTO) - Ngày 02/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.



                
   

Quang cảnh phiên họp.Ảnh: VGP/Quang Hiếu

   
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2018; việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ một số nguồn thu; tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và việc ủy quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương hằng quý; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra tháng 5/2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ;…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2018 tiếp tục xu thế tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thu, chi NSNN cơ bản được bảo đảm; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN có bước cải thiện; giải ngân vốn FDI đạt khá, cao hơn cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực, tương đối toàn diện trong cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; điểm sáng là công nghiệp và dịch vụ. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,39 tỷ USD.Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế để có những phản ứng chính sách kịp thời; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cơ cấu lại DN, thúc đẩy phát triển DN tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công, kiểm soát tốt lạm phát...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các giải pháp điều hành để mục tiêu lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.

Trong kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; theo dõi diễn biến vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng tới quản lý giá thép, đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu vật liệu cho xây dựng tăng cao; tiếp tục rà soát các dự án BOT, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm phí BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn.

         
“Dự án nào không sử dụng kịp thời thì bị kỷ luật và cắt vốn để đảm bảo giải ngân hết số vốn đã được giao. Các Bộ, các địa phương phải tập trung lo việc này. Thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây chậm trễ” - Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá theo hướng thận trọng. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp... Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn Thuế Giá trị gia tăng, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế.

Quyết liệt hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Về công tác chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ được Quốc hội yêu cầu chất vấn chuẩn bị tốt nội dung trả lời trước Quốc hội. Các thành viên Chính phủ khác chủ động theo dõi những vấn đề cử tri, Quốc hội quan tâm, chuẩn bị và phối hợp tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội.
                
   

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều 2/6 tại Hà Nội.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

   
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thời gian qua, như: việc thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu - AVG; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến một số vụ mua bán đất công giá rẻ gây thoát thoát tài sản nhà nước bị phanh phui thời gian qua; giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để quản lý việc cho vay tiêu dùng khi vừa qua nhiều khách hàng tố bị quấy rối; việc Bộ Công Thương có ý định xin rút nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự án Sào Khê ở Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần tổng vốn đầu tư…

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
  • Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang.
  • Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản (29/5-2/6), ngày 31/5, tại Phủ Thủ tướng, Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm và dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chào mừng Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.
  • Chủ tịch nước và Phu nhân hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 30/5, Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Hoàng cung Nhật Bản. Sau Lễ đón, Chủ tịch nước và Phu nhân đã hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
  • Kết quả kiểm toán đã chứng minh “kẽ hở” trong định giá doanh nghiệp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đó là ý kiến của đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận ngày 28/5 về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016”.
  • Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thông tin tới báo chí sáng nay (28/5), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tổng hợp phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến diễn ra từ ngày 04 đến 06/6.
Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm chuyển biến tích cực