Kiến nghị hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản; xử lý tài chính hơn 91,3 nghìn tỷ đồng

(BKTO) - Như tin đã đưa, chiều 21/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Được tổng hợp từ kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016 đã phản ánh khá rõ nét những hạn chế, bất cập trong chính sách tài khóa năm 2016; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.




Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp chiều 21/5 - Ảnh: quochoi.vn

Kê khai, nộp thiếu tiền thuế diễn ra phổ biến

Đề cập đến công tác thu NSNN, Báo cáo nêu: Năm 2016, mặc dù thu vượt dự toán 92.881 tỷ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỷ đồng. Như vậy vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng.

Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định...

Bên cạnh đó, dự toán hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) chưa sát với số thuế phải hoàn trong năm, dẫn đến phải động viên một số DN có số thuế GTGT được hoàn lớn đồng thuận tách quyết định hoàn thuế thành hai lệnh chi hoàn nhằm bảo đảm vừa chi trả cho người nộp thuế, vừa không vượt dự toán được giao (số thuế GTGT đã có quyết định hoàn năm 2016 phải chuyển sang năm 2017 để chi trả 1.077 tỷ đồng).

Đáng chú ý, qua kiểm toán cho thấy, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng…

Đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các DN ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan Thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 DN được đối chiếu.

Về công tác thu thuế, theo báo cáo, thuế có khả năng thu do ngành Thuế quản lý giảm 9,8%, song nợ thuế do ngành Thuế và Hải quan quản lý đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nợ thuế khó thu do ngành Thuế quản lý tăng 34% (54/63 các địa phương có mức dư nợ thuế khó thu tăng), nợ thuế chờ xử lý tăng 60,7%, chủ yếu tăng do các khoản nợ liên quan đến đất còn vướng mắc về cơ chế, chính sách như giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế dự án... chưa được các cơ quan liên quan giải quyết.

Chi ngân sách tái diễn nhiều sai sót

Đối với công tác chi NSNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nhiều hạn chế, sai sót đã được KTNN phát hiện, kiến nghị song vẫn xảy ra như: lập và giao dự toán chậm; vẫn còn tình trạng các bộ, ngành và địa phương phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết ngay từ đầu năm…

Các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán, như: phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng; tiến độ thực hiện còn chậm; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót.

Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án của các tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn (cá biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư).

         
Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 19.109 tỷ đồng; giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng; tăng giá trị DN, giá trị vốn nhà nước tại các DN trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng. Cùng với đó, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Ngoài ra, một số bộ, ngành và địa phương còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản 14.614 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết 31/12/2016 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 của một số địa phương còn lớn như: tỉnh Hà Nam 456,8%; Hà Giang 159,1%; Ninh Bình 132,6%...

Đánh giá việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm, Báo cáo nêu rõ, Chính phủ mới ban hành các Nghị định về cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ở 2/7 lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại một số đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ; một số bộ, ngành, địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định 805 tỷ đồng... Trong nội dung này KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN, giảm thanh toán, dự toán năm sau 882 tỷ đồng.

Một con số đáng lưu ý trong quyết toán NSNN năm 2016, đó là chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017 là hơn 279,3 nghìn tỷ đồng, bằng 17,75% tổng chi cân đối NSNN, tăng 18,1% so với năm 2015, cao nhất trong 3 năm gần nhất.

Đụng chạm nhiều vấn đề “nóng”

Bên cạnh việc đánh giá các hạn chế, sai sót trong thu, chi NSNN, điểm nhấn trong Báo cáo của KTNN chính là những đánh giá về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án, đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Báo cáo cho biết, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi thành Luật Khoáng sản năm 2010 dẫn đến bất cập, vướng mắc khi thực hiện hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 trên 2.835 tỷ đồng, hiện chưa có phương án giải quyết, đang dừng nộp tạm thời.

Công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập từ việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án; thực hiện chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định; đặc biệt có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”; phương pháp xác định giá đất còn nhiều bất cập, không rõ ràng, vướng mắc trong quá trình thực hiện và là kẽ hở gây thất thoát NSNN.

Qua kết quả kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công. Bên cạnh đó, qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng (Năm 2016 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án). Đồng thời, qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 9.639 tỷ đồng, trong đó kiểm toán toàn diện 07 DN xác định tăng 9.140 tỷ đồng và rà soát báo cáo của 07 DN tăng 499 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt mức Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt mức được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người).

Cũng theo báo cáo, tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định; giữ chức danh hàm và hưởng phụ cấp hàm không có trong quy định của Nhà nước.
         
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 với số thu cân đối NSNN 1.407.572 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.574.448 tỷ đồng; bội chi NSNN 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP thực tế.
N. HỒNG
Cùng chuyên mục
  • Tọa đàm truyền hình: Dự án BT dưới góc nhìn Kiểm toán Nhà nước
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 21/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội về Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Báo cáo này đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” từ kết quả kiểm toán của KTNN, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri.
  • Nhiều vấn đề “nóng” từ kết quả kiểm toán 2017 sẽ được báo cáo trước Quốc hội
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều nay (21/5), theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội về Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Trong đó, nhiều vấn đề nóng từ kết quả kiểm toán, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ được Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước diễn đàn Quốc hội.
  • Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng nay (21/5), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trong 20 ngày diễn ra Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp; thực hiện hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội cùng một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.
  • Tăng trưởng kinh tế 2018: Kỳ vọng lớn nhưng thách thức không nhỏ
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2018 hết sức tích cực, song đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng có chung nhận định: sự bứt phá trong quý I đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại.
  • Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 19/5/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Dưới đây là toàn văn nghị quyết:
Kiến nghị hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản; xử lý tài chính hơn 91,3 nghìn tỷ đồng