Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường

(BKTO) - Đây là nội dung được đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại phiên thảo luận tổ sáng 11/6.



                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh:quochoi.vn

   

Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi người dân và của các cơ quan, tổ chức. Việc thực hiện và giám sát thực hiện trách nhiệm đó là nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, HĐND, UBND các cấp và người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc bảo vệ môi trường. Quy định như vậy để đảm bảo tính toàn diện trong bảo vệ môi trường.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, Điều 78, Chương VI Dự thảo Luật quy định về kiểm toán môi trường, trong đó quy định kiểm toán việc quản lý chất thải và kiểm soát chất thải ô nhiễm môi trường. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, quy định như vậy là quá hẹp và chưa đầy đủ, toàn diện bởi môi trường là nội dung rất lớn, từ vấn đề lập quy hoạch đến công tác cấp phép, đánh giá tác động môi trường, quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường…

Đề cập đến quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường trong Dự thảo Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị: “Dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung quy định rõ KTNN thực hiện việc kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường và báo cáo công khai theo quy định của Luật KTNN”.

Phân tích về cơ sở đưa ra đề xuất trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Về cơ sở pháp lý, Khoản 38 Điều 3 Dự thảo Luật định nghĩa: “Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật và hình thành vật chất khác”. Luật Quản lý tài sản công quy định, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý bao gồm đất đai và các tài nguyên khác. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật KTNN thì vấn đề môi trường thuộc đối tượng kiểm toán.

Về thông lệ quốc tế, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện nay có 195 cơ quan kiểm toán tối cao thuộc Tổ chức quốc tế của các tổ chức kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thực hiện kiểm toán về môi trường và có một bộ phận chuyên môn về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Đồng thời, về mặt thực tiễn, KTNN Việt Nam đã cùng với 5 nước thực hiện kiểm toán nước sông Mê Kông. Tại cuộc họp Ban điều hành Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) dự kiến tổ chức vào tháng 7 tới, KTNN Việt Nam sẽ đề nghị các cơ quan kiểm toán tối cao ở xung quanh khu vực sông Mê Kông cùng thực hiện kiểm toán vấn đề nước của dòng sông này. Vì vấn đề nước sông Mê Kông tác động đến Việt Nam, Campuchia, Thái Lan rất lớn.

“Vấn đề này chúng tôi đang lấy ý kiến của 47 cơ quan Kiểm toái tối cao châu Á để đưa vào diễn đàn. KTNN cũng đã xin ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban sông Mê Kong và đã có sự đồng thuận rất cao”- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.

Bên cạnh đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng túi nilon tại TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị cơ quan thuế thu hàng trăm tỷ đồng; chấn chỉnh công tác quản lý túi nilon của các cơ quan nhà nước; đồng thời góp phần tăng cường công tác quản lý vấn đề môi trường.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường