Kiểm toán Nhà nước tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

(BKTO) - Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 24/5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đối với dự án Luật này, sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, Kiểm toán nhà nước cho rằng Điểm b khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chưa phù hợp với Điều 118 Hiến pháp và trái với Luật KTNN năm 2015.




Quang cảnh Lễ khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV - Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế quy định: Trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan KTNN phải gửi trích lục có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế. Căn cứ kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý về thuế.

Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với số thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm xác định chính xác số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật và người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, trình tự thủ tục về khiếu nại, khởi kiện thực hiện theo quy định của Luật này, Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.

Kiểm toán nhà nước cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp với Điều 118 Hiến pháp, bởi vì khoản 1, Điều 118 Hiến pháp năm 2013 quy định “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Bên cạnh đó, quy định này cũng trái với Luật KTNN năm 2015, bởi vì theo quy định của Luật KTNN thì khi kiểm toán tại cơ quan thuế, ngoài việc kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, KTNN còn thực hiện kiểm toán tính tuân thủ của cơ quan thuế đối với các quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế là đơn vị được kiểm toán nên phải có trách nhiệm giải trình, phối hợp làm rõ việc thu thuế đã đúng quy định của pháp luật chưa (thu đúng, đủ hay thu sai, đã xử phạt và tính tiền chậm nộp chưa...). Cơ quan thuế có trách nhiệm bắt buộc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật KTNN.

Quá trình kiểm toán tại cơ quan thuế, KTNN sẽ chọn mẫu một số doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ thu của cơ quan thuế để kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế. Như vậy, doanh nghiệp được kiểm tra, đối chiếu là cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động kiểm toán (theo quy định tại Điều 68 Luật KTNN) có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải trình các vấn đề có liên quan. Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật KTNN. Cơ quan thuế có trách nhiệm cùng KTNN thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu, giải trình các vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế và phối hợp với KTNN trong việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu, giải trình về nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Kết thúc kiểm tra, đối chiếu, KTNN, cơ quan thuế và doanh nghiệp được đối chiếu cùng ký Biên bản đối chiếu. Căn cứ vào Biên bản đối chiếu và hồ sơ liên quan, KTNN mới phát hành báo cáo kiểm toán. Vì vậy, báo cáo kiểm toán là cơ sở để cơ quan thuế và doanh nghiệp thực hiện. Để đảm bảo trong hoạt động kiểm toán, ngoài việc cơ quan thuế (là đơn vị trực tiếp được kiểm toán) có quyền khiếu nại, khởi kiện KTNN theo quy định pháp luật, KTNN còn đề xuất bổ sung quyền kiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán của cơ quan, tổ chức có liên quan vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN năm 2015. Trên cơ sở đó, KTNN sẽ có trách nhiệm đến cùng đối với các kết luận, kiến nghị của mình.

Với những lý do trên, KTNN đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan xem xét sửa lại điểm b, khoản 2, Điều 21 như sau: Trường hợp cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán tại cơ quan thuế, có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ kiến nghị của cơ quan KTNN, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý với số thuế kiến nghị thì cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo KTNN.

ĐỨC MINH
Cùng chuyên mục
  • Giáo dục tài chính - nền tảng để phát triển tài chính toàn diện
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Giáo dục tài chính (GDTC) là một quá trình mà trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư được cải thiện sự hiểu biết về các khái niệm, sản phẩm và rủi ro tài chính, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm thay đổi một cách hiệu quả tình trạng tài chính của mình. Bên cạnh sự phát triển các dịch vụ ngân hàng và chính sách tài chính vĩ mô, GDTC được xem là một trong ba điều kiện nhằm phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia. Mặc dù vậy, công tác GDTC này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú trọng.
  • Khơi thông nguồn vốn, thu hút  tinh thần khởi nghiệp
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam "nóng" lên với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo. Tuy nhiên, môi trường phát triển cho DN khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là nguồn vốn, tạo thành rào cản khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các startup mất đi cơ hội kinh doanh.
  • Chiều nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, trong phiên làm việc chiều nay (20/5), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về quyết toán NSNN năm 2017. Tại phiên họp, theo quy định của Luật KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc sẽ báo cáo trước Quốc hội kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017.
  • Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sáng 20/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
  • Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế qua hoạt động kiểm toán
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là những hạn chế trong các văn bản, chính sách có liên quan, đồng thời khẳng định vai trò của KTNN trong kiểm toán thuế, hơn 30 tham luận trình bày trực tiếp và gửi tới Ban Tổ chức, cũng như các ý kiến trao đổi tại Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của KTNN” đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập và kiến nghị cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán thuế thời gian tới.
Kiểm toán Nhà nước tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)